Tháng mười hai nhớ sắn
Trong một buổi sáng của mùa đông đúng chất phía bắc, lạnh buốt và khô hanh. Trời xanh trong tô điểm một vài nét mây mỏng để khiến mình cao hơn.
Rót cốc chè xanh vàng nhạt như còn vương chút của lá. Nhìn làn hơi nước bốc lên thảnh thơi uốn lượn trong cái ngược nắng đến là đẹp. Nhâm nhi hớp trà nóng chợt nghĩ cái tiết trời này quay sắn phơi thì nhanh khô phải biết. Mà màu sắn cũng trắng đẹp.
Hai mươi năm trôi qua và chẳng còn nhiều thứ giống như trước nữa. (Kể cả nền giáo dục vốn trì trệ và chậm cải tiến trong mấy chục năm cũng phải thay đổi khi Covid-19 bùng phát). Không thể ngăn bản thân mình, đôi lúc, nhớ về những thứ đã qua.
Quê mình thuộc vùng bán sơn địa, là phần đất chuyển giao từ đồi núi với đồng bằng. Đất nông nghiệp đủ loại: đất thịt pha cát cạnh bờ sông Bùi, đất thịt, đất đồi vàng ươm, đất đầm lầy đen, đất pha sỏi đá ong. Đất đa dạng nhưng đa phần cằn cỗi. Cấy lúa rất kém hạt nên đa phần trồng đỗ ngô khoai lạc tùy loại đất và tùy từng mùa. Và loại đất kém nhất thì thường được trồng sắn.
Sắn dễ trồng, có thể sống trên những loại đất khô cằn và cần ít sự chăm sóc nhất. Khi cây sắn lớn ngang đầu gối, người ta đi vun đất vào gốc cho đầy, để khi có củ không bị trồi lên. Rồi cứ để mặc đấy cho sắn lớn. Chẳng loại cỏ nào có thể mọc nổi dưới tán lá dày của sắn. Những cành lá như những bàn tay đan vào nhau mà đôi khi đám trẻ dùng hai cành ngoắc vào nhau làm thành nón.
Sau khi cấy vụ lúa chiêm xong, người ta bắt đầu trồng sắn. Trước khi dồn điền đổi thửa thì nhà nào cũng có đất trồng sắn. Sau khi dồn đổi, những nhà không có đất phải đi thuê đất để trồng. Có tiền thì thuê ở đường băng Miếu Môn, có ít tiền thì phải thuê ở xa hơn, xa đến 5-7 cây số. Đẩy xe bò chở phân chở cành giống từ 4-5 giờ sáng để đi trồng.
Trồng xong chỉ vào vun luống một lần. Sắn phát triển hay không đều phụ thuộc vào thời tiết, vào trời đất. Rồi đến cuối tháng mười ta, khi đã thu hoạch xong vụ lúa mùa, đợi cho tiết đông rét ngọt, và trời hanh khô, người ta bắt đầu đi dỡ sắn. Cái tiết trời như thế thái sắn ra phơi sẽ nhanh khô và có được màu trắng tinh. Sau này độn với cơm, lấy đũa cả đánh lên sắn sẽ quện lẫn với cơm rất khó nhận biết.
Dỡ sẵn cũng phải có cái mẹo của nó. Anh đừng nghĩ mình khỏe, anh tóm chặt hai tay vào thân cây rồi nhổ phựt phát mà lên cả cù lẫn củ. Làm thế rất dễ gãy thân hoặc gãy củ, đi cuốc lại rất mất thời gian và mệt. Thường thì phải lấy cuốc khơi bớt đất bên trên phía ra củ. Sau đó, anh đứng rộng hai chân bằng hai vai, tóm chặt phần thân cây cách chừng 30-40cm tính từ gốc, rồi nhấn nhún nhổ dần lên. Có làm như thế thì mới lên cả cụm được, mà ít bị gẫy củ.
Sắn nhổ lên rồi thì chặt tách riêng cụm củ khỏi thân cành. Nếu sang năm vẫn thuê trồng tiếp mảnh đất đó thì chọn những thân cành mập mạp giâm xuống ở một đầu bờ. Còn lại bó thành từng bó chất lên xe ba gác kéo về làm củi đun. Cứ thế, người nhổ, người chặt, người bó, người khuân sắn ra xe chất dần.
Những câu chuyện bên bờ ruộng sắn lúc nghỉ uống nước cũng khen đủ màu của sắn. Bác khen sắn nhà này to, cô sắn nhà kia dài. Rồi họ hỏi mình, hỏi nhau. Năm nay tốt thế không biết có bở không? Không biết bở thơm hay bở hăng? Không biết bán có đắt không?
Chở sắn về đến nhà là phải chặt tách củ ra khỏi gốc, rồi phân loại. Loại to thì sẽ cạo vỏ ngoài, nạo vỏ giữa thái miếng phơi khô sau này ăn. Loại nhỏ thì chỉ cần cạo vỏ ngoài rồi thái hoặc băm phơi khô sau này nghiền nuôi lợn. Đám trẻ nhờ nhau sang cạo vỏ sắn. Rồi bao giờ cũng phải chọn lấy những củ ngắn mũm mĩm nhất, tách vỏ bỏ nồi luộc. Để lúc nghỉ ăn thử xem có bở hay không?
Những bãi gò tha ma ngày ấy không có mộ xây mà chỉ mô thấp mô cao phủ đầy cỏ. Ngày thường lũ trẻ con dùng để thả bò và chơi trận giả, còn mùa này phủ một màu trắng xóa của sắn. Sắn thái miếng được phơi trên cỏ sẽ nhanh khô hơn trên sân. Phơi trên cỏ cũng dễ lật hơn bằng cách dùng chổi mây hoặc chổi tre.
Năm nào dỡ sắn vào đúng cái tiết hanh khô ngày nắng-gió đêm rét buốt như cái tiết trời của mấy hôm nay thì chỉ phơi một hai nắng là khô giòn. Mang về sảy cho bay hết những cỏ khô rồi chọn những bao tải sạch nhất đóng đầy mang cất. Qua Tết Nguyên Đán, hết tháng Giêng mang ra trộn lẫn với gạo để nấu thành món cơm độn sắn đến lúc thu hoạch lúa chiêm xuân.
Chẳng phải cơm, chính sắn đã cõng bố mẹ ông bà rồi sau đó là mình đi qua những “tháng ba ngày tám” cùng kiệt, xác xơ của những năm chín mươi của thế kỉ trước. Cơm trắng là một ước mơ xa xỉ được viết trong những bài văn như ngày nay bọn trẻ viết về tôm hùm và cua hoàng đế.
Thế nên thấy cậu bạn đăng cái ảnh dỡ sắn mình mới xin lấy vài tấm để ngắm thỏa mắt. Để được sống nhờ lại một quãng thời gian đáng lẽ ra người ta nên quên đi, phải quên đi. Các bố mẹ ngày ấy vẫn luôn răn rằng: cố mà học rồi sau này đi làm thoát li.
Để rồi, đến một cái tuổi nào đó, bỗng thấy việc được cầm lại cái cuốc cuốc một mảnh vườn đã là một niềm vui quá đỗi.
Hữu Văn, ngày 01/12/2021 (nhằm 27/10 năm Tân Sửu)
Comments are closed.