GIÁO DỤC CÓ PHẢI LÀ THẮNG – THUA?

Con gái tôi đang học lớp 6, học cùng với con của mấy ông bạn chơi với tôi từ hồi lớp 6. Con bạn tôi vừa bị mất một chiếc dây chuyền cổ bằng bạc. Một bạn trong lớp nhặt được đòi chuộc. Con bạn tôi đưa tiền chuộc, cậu kia lấy tiền xong bảo làm mất dây chuyền.

Sự việc được bạn tôi báo với giáo viên chủ nhiệm lớp. Bạn tôi cho rằng sợi dây chuyền bị lấy trộm. Và không thể hiểu cách hành xử của nhà trường, cho rằng nhà trường dung túng cho hành vi xấu khi không xử lý cậu kia với lý do không có bằng chứng. Bạn tôi rất bức xúc.

Một thầy giáo bên trung tâm Anh ngữ cạnh nhà tôi một lần đến uống cà phê ở Vũ Quán kể cho tôi nghe về một việc rất khó xử. Bên trung tâm có thuê một giáo viên người Anh dạy. Ông này thường đến trung tâm bằng xe đạp thể thao. Trên xe có gắn một chiếc đèn led chiếu sáng, loại đèn có thể sạc lại pin. Đến một tối hết giờ dạy, ông lấy xe về và phát hiện chiếc đèn không còn nữa. Ông tỏ ra rất thất vọng.

Thầy đi hỏi tất cả lớp học của trung tâm có tiết học hôm đó, nhưng chỉ nhận được câu trả lời: không biết. Thầy xem lại camera an ninh và phát hiện ra một học sinh của trung tâm đã lấy. Thầy gửi video cho phụ huynh học sinh kia nhờ can thiệp. Cậu mới thú nhận là thích cái đèn ấy quá nên không kiềm chế được. Bố mẹ cùng cậu đến xin lỗi thầy, và tùy thầy xử phạt.

Thầy hỏi tôi là nên xử lý cậu học sinh kia thế nào?

Còn bạn, bạn sẽ xử trí thế nào nếu bạn ở trong trường hợp của ông bạn tôi? của thầy giáo trung tâm Anh ngữ?

HÀNH VI không phải BẢN TÍNH

Chúng ta thường đánh đồng hành vi của một người với bản tính của người đó. Một đứa trẻ không chơi với bạn, ta bảo nó nhút nhát. Một đứa trẻ lấy cắp đồ của người khác, ta bảo nó là kẻ trộm. Rồi từ đấy cứ thấy, cứ nhắc đến là ta gọi nó là đồ nhút nhút, đồ kẻ trộm. Và nếu tất cả mọi người đều có thiên kiến xác nhận như thế, đứa trẻ kia lớn lên sẽ không còn lựa chọn trở thành con người nào khác.

Đó là cách nghĩ thường thấy. Nhưng trong giáo dục thì phải nghĩ khác. Bởi nhiệm vụ của giáo dục không phải là dựa vào hành vi để phân loại bản tính, mà là giúp cho trẻ biết hành vi nào là tốt, hành vi nào là không tốt. Khao khát một thứ và tìm mọi cách để có được thứ đó là tốt, nhưng lấy trộm thì không tốt. Không thể chỉ vì một hành vi không tốt, đặc biệt là khi trẻ chưa nhận thức hết được ý nghĩa của hành vi ấy, mà biến đứa trẻ ấy thành một bản tính xấu về sau.

Giáo dục không nên là THẮNG – THUA

Quay trở lại hai tình huống ban đầu. Với mỗi trường hợp, ở góc độ giáo dục, ta đều có cách để phát triển những đứa trẻ trở nên tốt hơn.

Ở trường hợp đầu, ta cần phải bắt đầu từ con mình trước, hỏi rõ và chắc chắn con mình có bị mất trộm thật hay là bị rơi và bạn nhặt được thật. Vì dây chuyền đeo ở cổ có thể bị đứt rơi khi chơi đùa lắm chứ? Con bạn bảo tháo ra để trong cặp mất. Ủa, dây chuyền bạc là để đeo cổ chống gió mà, sao con lại tháo ra? Kể cả để trong cặp thì vẫn có thể rơi ra khi lấy sách vở bút thước lắm chứ?

Có bạn khác đã nhìn thấy bạn kia lục cặp sách lấy trộm. Bạn đó là bạn nào? Có bằng chứng không? Kể cả là con bị mất trộm thật, thì ta vẫn nhân cơ hội này để dạy con về trách nhiệm bảo vệ tài sản, về hành vi trộm cắp là xấu, về cảm xúc khi mất một thứ gì đó là rất buồn, lần sau phải cẩn thận hơn với tài sản của mình.

Trong trường hợp biết chắc bạn kia đã lấy trộm, thì vẫn không nên thắng thua bằng được để bạn kia nhận tội, chịu sự kỷ luật, sự xấu hổ trước bạn bè. Mà nên nhân cơ hội này dạy cho con về lòng bao dung và vị tha.

Ở trường hợp sau, cái đèn được hoàn trả, cậu học trò trót dại cũng đã trải qua những cảm xúc vui sướng, lo lắng, hối hận và có được bài học quý giá. Thầy đã tha lỗi cho cậu và đặt một điều kiện cho bố mẹ cậu: nếu pass qua được bài test cuối khóa loại ưu thì bố mẹ sẽ mua cho cậu một cái đèn led y chang để làm phần thưởng.

— Giáo dục là vũ khí mạnh nhất để thay đổi thế giới —

Năm ngoái cộng đồng mạng dậy sóng về việc chỉ một shop quần áo xem camera an ninh phát hiện một bạn học sinh lấy cắp quần áo. Chủ shop đã hành hung, đã nhục mạ rồi quay video đăng lên mạng xã hội để … dạy cho bạn kia, tất cả khách hàng và cả xã hội một bài học: cho chừa thói ăn cắp. Kết quả: shop bị tẩy chay, cơ quan công an kiểm tra shop có nhiều hàng hóa nhập lậu, shop đóng cửa, chỉ shop đối mặt với pháp luật.

Cũng trong thời gian ấy lan truyền câu chuyện một chàng trai cầm biển ghi lại việc 10 năm trước từng ăn cắp sách và bị phát hiện, nhưng người chủ tiệm sách chỉ răn đe, dạy dỗ mà không có hình phạt nào dành cho cậu. Giờ cậu đã trưởng thành và đang là biên kịch phim truyền hình.

Giáo dục không phải là một trận đấu đối kháng để tìm ra kẻ thắng người thua ngay sau vài hiệp đấu. Giáo dục là một trận đánh lâu dài mà có thể tất cả đều thắng. Có những thứ ta giáo dục bây giờ, nhưng phải nhiều năm nữa mới thấy được kết quả.

Nelson Mandela từng nói:

Giáo dục là thứ vũ khí mạnh mẽ nhất mà ta có thể sử dụng để thay đổi thế giới.

Comments are closed.