MẤT MÁT, ĐAU BUỒN: LÀM THẾ NÀO ĐỂ VƯỢT QUA?
Tôi có khoảng 2,8K+ bạn bè trên Facebook. Tháng nào cũng có một người bạn của tôi trên Facebook mất đi người thân. Mất người thân là một mất mát rất lớn và rất khó vượt qua. Đặc biệt là nếu người thân ấy ra đi quá đột ngột sau một tai nạn, hay một cơn bạo bệnh, hay khi tuổi đời họ còn trẻ. Tôi biết có nhiều người đã không thể vượt qua được nỗi đau mất mát này.
Dù là khó nhưng vẫn có những cách để vượt qua buồn đau của việc mất đi người thân. Tôi xin chia sẻ một trong số đó.
Theo bác sĩ tâm thần Elisabeth Kübler-Ross, quá trình đau buồn khi đối mặt với mất mát trải qua 5 giai đoạn. Gọi là DABDA (Denial, Anger, Bargaining, Depression, Acceptance).
Đầu tiên là PHỦ NHẬN (không thể như thể được, có thể nào họ nhầm, …), rồi chuyển qua GIẬN DỮ (tại sao việc này lại xảy ra với tôi, …), tiếp theo là THƯƠNG LƯỢNG (nếu-thì sẽ… , giá như-thì sẽ…), rồi đến CHÁN NẢN (ta chẳng muốn làm gì, ta là kẻ thất bại, ta xứng đáng bị vậy, …). Khi trải qua hết 4 giai đoạn này thì chúng ta mới CHẤP NHẬN.
Để vượt qua được đau buồn, điều đầu tiên là chúng ta phải nắm được 5 giai đoạn của nó. Rồi tùy thuộc vào vị trí là người trong cuộc hay ngoài cuộc, mà sẽ có những tác động phù hợp với từng giai đoạn. Và phải thực sự kiên cường thì mới có thể sớm vượt qua được nó.
Đối với người trong cuộc, những người trực tiếp chịu mất mát, sự kiên cường để vượt qua đau buồn thường bị cản trở bởi 3 yếu tố, mà nhà tâm lý học Martin Seligman gọi là 3 chữ P: Personalization (cá nhân hóa) – ta tin rằng chỉ mình ta chịu sự mất mát này, Pervasiveness (lan tỏa) – ta cho rằng việc đó sẽ ảnh hưởng đến mọi khía cạnh trong cuộc sống của ta, và Permanence (vĩnh viễn) – ta cho rằng dư chấn là vĩnh viễn.
Để có thể nhanh chóng vượt qua được đau buồn, bạn cần phải xóa bỏ 3 chữ P kia ra khỏi suy nghĩ của mình. Thứ nhất: không phải chỉ mình bạn phải chịu sự mất mát này; có rất nhiều người cũng chịu sự mất mát như bạn, có người còn phải chịu sự mất mát lớn hơn. Thứ hai: sự mất mát này sẽ không ảnh hưởng đến tất cả các khía cạnh cuộc sống của ta được; bạn rõ ràng vẫn còn rất nhiều thứ quý giá cần trân trọng, nâng niu. Thứ ba: thời gian sẽ làm dịu tất cả, mọi niềm vui hay nỗi buồn cũng đều vơi dần theo thời gian.
Tuy nhiên, hầu hết mọi người không hề biết đến DABDA và 3P, nên nhiệm vụ của việc vượt qua đau buồn của mất mát lại thuộc về những người là bạn bè thân hữu của người chịu mất mát.
Đối với những việc liên quan đến mất mát, chúng ta thường có tâm lý né tránh đả động đến. Ta cứ nghĩ họ đang buồn đau thế thì mình không nên hỏi thăm, có thể sẽ khơi gợi cho họ thêm buồn đau. Nhưng không phải vậy, việc không hỏi thăm đó càng khiến cho họ chìm sâu thêm vào 3D, họ càng tin rằng cuộc đời này đúng là tệ hại, và nó sẽ kéo dài mãi mãi. Nó có thế sẽ khiến họ rơi vào trầm cảm.
Vì vậy, nếu ai đó không may gặp mất mát, bạn hãy gửi lời hỏi thăm chia sẻ với họ. Nếu có thể hãy dành thời gian trò chuyện với họ. Rủ họ tham gia vào những hoạt động bình thường mà trước kia bạn đã từng làm cùng nhau. Nếu bạn cũng đã từng trải qua một mất mát tương tự và đã vượt qua nó, hãy chia sẻ câu chuyện của bạn với họ, về việc bạn đã đau buồn ra sao, trong bao lâu và đã vượt qua như thế nào. Nếu có những hội nhóm về những người cùng cảnh ngộ, hãy rủ họ tham gia cùng. Việc này sẽ giúp họ dần thoát khỏi 3P và tìm lại được niềm vui trong cuộc sống.
***
Mất mát là một tình huống nhạy cảm. Ta thường tìm cách né tránh nó hoặc chạy trốn nó. Bản thân tôi khi viết bài này cũng phải đắn đo rất nhiều. Bản thân tôi cũng từng có tâm lý không muốn hỏi thăm những người bạn gặp vào hoàn cảnh không may. Tôi sợ gợi họ nhớ đến nỗi buồn. Tôi sợ họ sẽ có suy nghĩ là tôi đang thương hại họ. Nhưng giờ tôi biết chắc rằng: chỉ có dũng cảm đối mặt với hoàn cảnh đó thì chúng ta mới kiên cường vượt qua được chúng.
Tham khảo “Năm giai đoạn của đau buồn”: https://www.psycom.net/stages-of-grief
Comments are closed.