CẠNH TRANH SẼ TẠO ĐỘNG LỰC PHÁT TRIỂN
Bạn tôi hỏi: Có một công ty đang cạnh tranh cùng ngành, cùng sản phẩm với bạn, và hiện họ đang phát triển hơn của bạn. Giờ bạn cài cắm người ứng tuyển vào công ty kia làm việc để ăn cắp cách làm về áp dụng cho công ty của bạn thì có được không? có gọi là cạnh tranh bẩn không?
Quả là một câu hỏi thú vị. Các bạn nghĩ sao về câu hỏi này?
Tùy vào từng ngành nghề, lĩnh vực kinh doanh mà chiến lược ăn cắp kia là có được chấp nhận hay không. Bởi nó rõ ràng là một chiến lược không lành mạnh. Tuy nhiên, với nhiều nhà lãnh đạo lớn, họ sẵn sàng chấp nhận cả tình huống các công ty đối thủ cài người vào để lấy cắp chiến lược kinh doanh. Thậm chí, nhiều nhà lãnh đạo còn sẵn sàng chia sẻ miễn phí những công nghệ, công thức kinh doanh – như Elon Musk – vì những mục đích lớn lao hơn.
Tại sao lại như vậy?
SỰ NGUY HIỂM CỦA VIỆC TRÊN ĐỈNH MỘT MÌNH
Mỗi khi nói đến cạnh tranh, tôi lại nhớ về bộ phim hoạt hình Megamind của đạo diễn Tom McGrath. Megamind là một cậu bé mồ côi có ngoại hình khác thường nhưng có đầu óc sáng tạo siêu phàm. Cậu cố gắng hòa nhập với bạn bè từ khi còn trong trại trẻ mồ côi nhưng không được đón nhận, vì họ đã có Metro Man – một Hero bất khả chiến bại. Cậu chọn trở thành nhân vật phản diện, chọn trở thành kẻ xấu. Megamind luôn tạo ra những phát minh để phá hoại, khủng bố thành phố. Metro Man luôn có mặt để mang lại hòa bình.
Thế rồi một ngày, Megamind phát hiện ra điểm yếu và đánh bại Motro Man. Cậu làm chủ thành phố mà mình luôn khao khát được hòa nhập. Cậu tạo ra thành phố của riêng mình. Nhưng rồi một ngày cậu chán. Không có đối thủ, cậu chẳng còn phát minh ra được thứ vũ khí hay công cụ nào nữa. Không có Metro Man, cậu không còn thấy cuộc sống còn niềm vui nữa. Không có kẻ xấu thì cậu vẫn mãi là kẻ xấu trong tâm trí mọi người.
Cậu quyết định trở thành người tốt bằng cách tạo ra một kẻ xấu. Từ sợi tóc của Metro Man, cậu chế tạo ra một dung dịch chứa ADN anh hùng, khi tiêm vào ai thì kẻ đó sẽ có sức mạnh như Metro Man. Cậu tìm được một người, thỏa thuận với anh ta rồi biến anh ta thành kẻ xấu. Yêu cầu anh ta phá hoại thành phố bằng các công cụ mới do cậu sáng tạo ra. Rồi cậu xuất hiện để chiến đấu bảo vệ thành phố. Cuộc chiến rất khốc liệt, có lúc cậu tưởng như mất mạng, nhưng cuối cùng cậu đã chiến thắng. Toàn thành phố vui mừng, Megamind trở thành anh hùng mới.
Tuy nhiên, kẻ xấu mới kia, đối thủ do Megamind tạo ra lại là một kẻ nhỏ nhen, ích kỷ. Sự ích kỷ này cùng với những sức mạnh được kế thừa từ ADN của Metro Man đã biến anh ta trở nên nguy hiểm đến nỗi Megamind không thể kiểm soát được. Nó buộc Megamind phải thay đổi tư duy, buộc anh ta phải sáng tạo hơn nữa, buộc anh ta phải đối mặt, phải hợp tác để tìm ra giải pháp mới cho đứa con do chính mình tạo ra kia. Muốn biết kết quả thế nào, bạn hãy tìm xem phim.
Việc trên đỉnh một mình cũng giống như việc một công ty cứ dẫn đầu thị trường một mình mà không hề có đối thủ xứng tầm nào khiến họ phải lo lắng. Ở trên đỉnh nên họ sẽ dễ tự mãn, không coi trọng những ý tưởng mới từ cấp dưới. Không có lý do nào bức thiết để khiến họ phải sáng tạo đổi mới cả. Với những người trên đỉnh một mình thì suy nghĩ của họ là: mình đang dẫn đầu nghĩa là mình đang rất xịn rồi, đâu cần thay đổi làm gì cho mệt. Họ không còn tạo ra lượng adrenaline đủ lớn để đánh giá đúng những nguy hiểm rình rập xung quanh nữa. Họ là Kodak của thập niên 80-90s của thế kỷ trước, là Yahoo của đầu thể kỷ này.
CẠNH TRANH TRONG KINH DOANH
Ai từng làm kinh doanh đều biết đến câu “thương trường như chiến trường”. Theo Al Rises, quy luật bất biến đầu tiên trong kinh doanh là bạn phải là người dẫn đầu trong tâm trí khách hàng – nghĩa là được khách hàng nhớ đến đầu tiên khi họ cần một sản phẩm, dịch vụ. Nếu không dẫn đầu ở thành phố thì dẫn đầu ở vùng nông thôn. Hãy tìm chiến trường mà mình có thể thắng.
Bạn có thể tự mình hoặc cài người vào để học lấy các triết lý kinh doanh của đối thủ đang dẫn đầu kia. Song nếu họ đã dẫn đầu ở một thị trường rồi, bạn sẽ không bao giờ có cơ hội đánh bật được họ ở thị trường khỏi vị trí dẫn đầu. Bởi khi bạn học được cái họ đang áp dụng thành công, thì họ đã có một chiến lược mới rồi. Bạn đâu có thể suốt ngày chạy theo họ mãi như thế được. Bạn cứ mải mê tập trung vào đối thủ như vậy thì đâu còn thời giờ mà nghĩ ra những chiến lược mới khác biệt với họ được.
Chính vì vậy, những người đã thành công, đang dẫn đầu rồi họ không lo sợ các đối thủ cài cắm người vào lấy cắp. Bởi nếu mô hình đó, cách làm đó có thể áp dụng thành công cho một nơi khác nghĩa là sẽ giúp cho cuộc sống của nhiều người sẽ trở nên tốt đẹp hơn. Tất nhiên, họ cũng có những chính sách bảo mật nghiêm ngặt đối với những dữ liệu quan trọng liên quan đến khách hàng, bởi nếu những dữ liệu này mới là tài sản quý giá mang tính sống còn đối với công ty họ.
Không những vậy, nhiều công ty còn thử nghiệm tự tạo ra những đối thủ cho mình bằng cách thành lập một công ty con, rồi gửi một nhóm sáng tạo nhất vào đó để phát triển sản phẩm cạnh tranh với chính công ty mẹ. Nhiều sản phẩm của công ty thử này đã đánh bật sản phẩm của công ty mẹ. Kết quả cuối cùng họ luôn có đủ sự cảnh giác để thay đổi nhanh chóng mỗi khi có một đối thủ nhăm nhe vị trí dẫn đầu của họ.
CÒN BẠN THÌ SAO? Bạn nên lựa chọn cạnh tranh như thế nào?
Tất nhiên, bạn vẫn có thể lựa chọn cách làm như câu hỏi đã đặt ra ở đầu bài: tập trung xem đối thủ làm gì thì tìm cách học và làm theo. Hoặc bạn hãy dành thời gian tìm tòi một thị trường riêng cho mình. Rồi dành toàn bộ suy nghĩ của mình vào việc làm sao để nâng cao sản phẩm dịch vụ, làm sao để tạo ra những trải nghiệm và phục vụ khách hàng tốt nhất. Bạn có thể không lợi thế về sản phẩm hoặc giá cả, nhưng bạn sẽ có lợi thế về văn hóa phục vụ.
Trong trường hợp bạn đã dẫn đầu ở khu vực của bạn. Hoặc nơi bạn mở mặt hàng kinh doanh đang không có đối thủ cạnh tranh nào. Bạn đang trên đỉnh. Bạn phải thận trọng. Hãy luôn tìm cách (sáng tạo hoặc học hỏi) nâng cao sản phẩm dịch vụ của mình, đồng thời nâng cao trải nghiệm của khách hàng. Và bạn hãy mong sớm có đối thủ cạnh tranh với mình. Điều đó sẽ tốt cho bạn nhiều hơn là bạn nghĩ. Nó sẽ tạo ra rất nhiều adrenaline cho bạn.
CẠNH TRANH SẼ TẠO RA ĐỘNG LỰC PHÁT TRIỂN
Nếu bạn là một fan bóng đá, bạn sẽ biết đến giải Premier Leage -của Anh. Đây là giải đấu được xem là hấp dẫn nhất trong lĩnh vực bóng đá. Mỗi năm, ban tổ chức sẽ cho phép các câu lạc bộ chuyển nhượng, mua bán cầu thủ vào hai dịp: đầu mùa giải và giữa mùa giải. Đây là dịp để các đội bổ sung lực lượng nhằm mang đến những sự thay đổi. Nếu bạn để ý, bạn sẽ thấy mỗi vị trí cầu thủ đều có 2-3 người để thay thế. Đó là vì các huấn luyện viên muốn tạo ra sự cạnh tranh cho các cầu thủ này. Từ đó giúp họ có động lực để nỗ lực thi đấu tốt nhất có thể.
Nếu bạn có con đang độ tuổi đi học, hoặc bạn nhớ lại thời đi học của chính mình, bạn sẽ thấy luôn có những người đứng đầu lớp. Một lớp mà chỉ có một người học giỏi, sẽ rất dễ dẫn đến tự cao tự mãn. Điều này đặc biệt đúng với học sinh cấp Tiểu học và Trung học cơ sở. Một mình đứng trên đỉnh lâu ngày sẽ khiến người ta dần mất động lực học tập. Khi trong lớp có hơn 1 bạn học giỏi, sự cạnh tranh hình thành. Các bạn này sẽ thi đua để bằng, để hơn bạn kia.
Còn chẳng may bạn đang một mình phụ trách công việc content creator cho một công ty – chỉ một mình bạn. Bạn hãy coi chừng! Lúc đầu bạn sẽ rất chịu khó tìm tòi sáng tạo những nội dung mới lạ, độc đáo; rồi thể hiện nó theo những cách thức khác nhau: photo, video, infographic, … Nhưng dần dần bạn sẽ không còn muốn sáng tạo nữa. Bạn có sẵn những mẫu thiết kế cũ, những templates video cũ, chỉ mở ra thay chữ, thay hình là xong. Công việc từng khiến bạn thích thú vì được sáng tạo, giờ trở nên nhàm chán. Bạn hãy đề xuất có thêm một người nữa phụ trách cùng, chắc chắn người kia sẽ góp ý với bạn, hoặc họ sẽ tạo ra những sản phẩm sáng tạo mới lạ hơn.
Đó là lý do vì sao các công ty luôn xây dựng bộ phận kinh doanh luôn có nhiều người, nhiều nhóm, nhiều trung tâm. Và ai cũng đầy nhiệt huyết, khát khao trong công việc của mình.
Giờ thì bạn có thể tự tìm thấy hoặc nhìn thấy nhiều câu chuyện liên quan đến cạnh tranh mang lại động lực phát triển ở xung quanh mình rồi phải không?
Nếu bạn đang tìm kiếm động lực phát triển, bạn cần phải có cạnh tranh. Nếu bạn đang muốn tạo động lực phát triển cho nhân viên, bạn cần phải tạo ra cạnh tranh. Nếu bạn muốn tạo động lực cho con cái mình phát triển, bạn phải đưa con vào một môi trường cạnh tranh.
SỐNG LÀ CẦN PHẢI CÓ CẠNH TRANH – MỘT SỰ CẠNH TRANH LÀNH MẠNH SẼ TẠO RA PHÁT TRIỂN.
Comments are closed.