Bạn hãy đọc hai câu dưới đây:
“Rất nhiều nhân viên đi làm đều có thói xấu là: được một thời gian, đủ lông đủ cánh thì tưởng mình giỏi.”
“Rất nhiều người đi làm đều có thói quen là: được một thời gian, đủ lông đủ cánh thì nghĩ mình giỏi.”
Bạn có thấy chúng mang lại những cảm giác khác nhau không?
Lúc mới ra trường, bước vào đời bằng đôi chân của mình, tôi được khuyên rằng: đừng nghĩ đến việc kiếm được bao nhiều tiền mỗi tháng, mà hãy xác định học được những kiến thức, kỹ năng gì mới.
Nên làm ở đâu, làm cho ai đi chăng nữa thì theo thời gian ai cũng sẽ dần giỏi hơn. Những va vấp, sai lầm và trải nghiệm sẽ khiến ta ngày một nhiều kinh nghiệm hơn. Đây là một quy luật, là một điều tất yếu của sự phát triển tâm lý con người.
Có thêm kinh nghiệm, thời gian còn cho ta những mỗi quan hệ mới, những cơ hội mới. Đến một ngày, ta không còn học thêm được gì mới nữa, công việc không còn đủ thách thức và thú vị nữa, ta sẽ đi tìm những cơ hội để phát triển bản thân.
Những ông chủ, quản lý đủ giỏi, biết coi trọng nhân viên như một con người, sẽ biết cách tạo những thách thức mới, truyền những động lực mới để họ phấn đấu tiếp trên con đường phát triển bản thân. Nếu không đủ giỏi, hoặc đã kiến tạo mà họ vẫn nhất quyết đi, thì nên ủng hộ họ.
Cách đây 5 năm tôi cũng nghĩ mình đã đủ kinh nghiệm, muốn nghỉ ở công ty cũ để khởi nghiệp. Trong một cuộc trò chuyện thân mật, anh sếp của tôi đã hỏi dự định của tôi tiếp theo, tôi đã chuẩn bị những gì rồi, đã đủ tự tin chưa, … Khi biết tôi định mở Studio những chưa đủ vốn, chưa đủ tự tin, anh đã cho tôi contact một số bạn bè của anh làm Studio để tư vấn. Rồi khuyên tôi cứ suy nghĩ thật kỹ trước khi quyết định. Sau khi về tìm hiểu lại về địa điểm, chi phí các thứ… tôi biết là mình vẫn còn phải học hỏi thêm, nên đã quyết định ở lại.
Hơn mười năm làm nhân viên nên tôi rất hiểu tâm lý nhân viên. Trải qua hàng chục vị quản lý trực tiếp, rồi quan sát cũng hàng chục quản lý không trực tiếp xung quanh, tôi cũng hiểu được tâm lý của quản lý. Có những người, sáng vẫn đồng nghiệp bình thường, trưa làm lễ bổ nhiệm lên cấp, chiều đã thấy cư xử lạ lắm – khác hẳn đi. Những quản lý này rất sợ nhân viên sẽ giỏi hơn mình và chiếm mất vị trị của họ. Song cũng có những người, lên đến tận CEO rồi mà vẫn giữ được phong thái cư xử như hồi còn cùng là nhân viên.
Hồi mới xây cộng đồng Filmmakers in Vietnam, tôi cũng hợp tác với rất nhiều bạn bè anh em. Tôi nghĩ đơn giản lắm, tự học về hậu kỳ nên kiếm được nguồn tư liệu nào free trên mạng là tôi kéo về share free lại lên forum cho anh em nào cũng đang tìm tòi học hỏi như mình rút ngắn được thời gian tìm kiếm. Mỗi năm kêu gọi donate một hai lần lấy chi phí duy trì domain và hosting.
Gần chục năm tồn tại, tôi được hợp tác với rất nhiều người. Tôi thì chẳng chỉ bảo được gì cho ai, nhưng rất nhiều người đã chỉ bảo cho tôi. Kha nhiều người trưởng thành từ cộng đồng này, trong đó có cả những thành viên của Ban quản trị. Có những người tự dời đi, có những người tôi khiến họ dời đi khi biết rằng nếu cố giữ lại thì sẽ không tốt cho họ. Họ cần một cái ao lớn hơn để vùng vẫy.
Mỗi sự việc xảy ra vốn chẳng có ý nghĩa gì cả, đơn giản là thông tin. Tốt, xấu là do mỗi người gán ý nghĩa vào cho chúng. Tôi thích cách nghĩ của đạo Phật: nếu tôi và bạn gặp nhau, làm việc với nhau, hợp tác với nhau, chỉ bảo nhau, … thì là do duyên, đến khi không còn làm việc, hợp tác, chỉ bảo nhau nữa có nghĩa là cả bạn và tôi đều cần một mối duyên mới. Đừng phán xét và cũng không nên gán ghép ý nghĩa tốt xấu.
Tư duy “ông chủ – làm thuê” và “sếp – nhân viên” ẩn chứa rất nhiều nguy hiểm trong hành xử. Nó sẽ dẫn đến những hành vi ai cũng chỉ muốn mang lại cái lợi cho mình mà quên đi mục đích chung. Khi mọi chuyện suôn sẻ, nó thể hiện ra bằng những nụ cười giả tạo. Khi gặp vấn đề, nó sẽ là câu chuyện đổ trách nhiệm. Người được người mất, nhưng nhìn vào cả cuộc chơi thì cả hai bên đều thua.
Chúng ta đi làm vì nơi đó vui, có nhiều cơ hội học hỏi hoặc có nhiều thử thách thú vị. Không có 3 điều này, mỗi ngày thức dậy, bạn chỉ mong đó là ngày nghỉ. Và, ngày bạn muốn đến công ty nhất là ngày lĩnh lương.
Giờ có cơ hội trò chuyện với các bạn sắp ra trường, tôi cũng thường khuyên: trong 3 năm đầu, đừng nghĩ đến việc kiếm được bao nhiều tiền mỗi tháng, mà hãy xác định học được những kiến thức, kỹ năng mới gì.
Comments are closed.