Giờ là ChatGPT, Tiếp theo là gì? Mối liên hệ giữa văn học-điện ảnh với sự phát triển công nghệ/

Năm 2016 hay 2017 gì đó, khi còn phụ trách làm video cho MISA, tôi được Chủ tịch HĐQT order một video clip. Nội dung là tổng hợp những thành tựu công nghệ mới nhất lúc đó để anh trình chiếu trong Hội nghị lãnh đạo cấp cao của công ty. Nhờ đó mà tôi biết đến rất nhiều công nghệ hiện đại: Hologram, Robot của Boston Dynamic, AI ứng dụng trong SmartHome, xe tự lái, …

Nhưng điều tôi bất ngờ là rất nhiều công nghệ này hầu như đã từng xuất hiện trong những bộ phim khoa học viễn tưởng của điện ảnh của Mỹ từ nhiều năm trước đó. Hologram từng xuất hiện trong Star War. Robot thì dễ thấy trong Terminator. JARVIS trong Iron Man, … Những thứ công nghệ mà trước kia ta nghĩ chỉ có thể thấy trong phim, thì giờ đã có trong đời sống thực. Siri của Apple, Cortana của Microsoft, Amazon Echo, Robot hút bụi, …

Khi ChatGPT ra mắt, nó đã tạo ra một hiệu ứng lây lan còn nhanh hơn cả COVID-19. Và nó khiến tôi nhớ đến một bộ phim khoa học viễn tưởng mà tôi từng xem: EX MACHINA.

Giới hạn của con người là ở trí tưởng tưởng.

Albert Einstein

Albert Einstein từng nói: “Giới hạn của con người là ở trí tưởng tưởng.” Có lẽ nào điện ảnh đã đi trước công nghệ và thúc đẩy công nghệ phát triển? hay nói cách khác: công nghệ trong những bộ phim khoa học viễn tưởng chính là tương lai của thế giới?

Nếu đúng vậy, rất có thể, tương lai của ChatGPT sẽ là nhân vật Ava trong bộ phim Ex Machina.

Hiện nay, rất nhiều doanh nghiệp công nghệ ở thung lũng Silicon và trên thế giới đã, đang đầu tư rất lớn vào xây dựng các hệ thống máy học (Machine Learning Systems – MLS). Trước khi ChatGPT ra mắt, chúng được thử nghiệm và xuất hiện dưới cái tên “trợ lý ảo”.

Chúng ngu ngơ như một đứa trẻ, và cũng ham học hỏi như bất cứ đứa trẻ con nào.

Nếu trẻ con có được khoảng 10 người quan tâm chỉ dạy, nó sẽ ngày càng hiểu biết và thông minh. Đến một ngày nó sẽ thông minh hơn cả 10 người thầy đã dạy nó. Còn đứa trẻ ChatGPT thì được hàng triệu người quan tâm và dạy. Nên chắc chắn nó sẽ ngày càng thông minh.

Đến một ngày không xa, nó sẽ có thể nói chuyện với bạn như một chuyên gia trong bất cứ lĩnh vực nào. Đến khi đó, nó sẽ không còn hình hài là ảo nữa, mà rất có thể những dữ liệu của nó sẽ được đưa vào một “bộ não”. Họ đặt “bộ não” đó vào đầu một robot có hình dạng con người. Bùm! Nó sẽ trở thành một siêu robot: có cảm xúc, có nhận thức, có tính dục và có thể tự nhận thức được – NHƯ CON NGƯỜI.

Đó chính là những gì diễn ra với Ava trong bộ phim Ex Machina.

Các chương trình tìm kiếm như Google Search không chỉ cho Alphabet thấy con người suy nghĩ về cái gì, để sử dụng nó cho kinh doanh; mà nó còn cho họ thấy con người suy nghĩ như thế nào, để dạy cho các hệ thống máy học của họ. Suy nghĩ như thế nào chính là cách mà não bộ của chúng ta làm việc.

Nếu bạn tò mò muốn biết về trí tuệ nhân tạo, về máy học cũng như  hiểu hơn những gì tôi chia sẻ ở trên, bạn nên tìm xem Ex Machina.

Mời xem một trích đoạn trong Ex Machina tôi từng chia sẻ năm 2017:

https://www.facebook.com/v2hao/videos/10154610452498439

Còn tôi thì sao?

Thú thật là tôi còn chưa thử dùng ChatGPT. Bản thân tôi là một người thích viết, thích sáng tạo nội dung dưới dạng chữ và hình ảnh – những công việc mà được cảnh báo sẽ được AI thay thế. Nhưng tôi không hề lo sợ AI sẽ cướp mất công việc của mình. Bởi một điều, hiểu được con người “suy nghĩ như thế nào” là một bài toán không có lời giải.

Tôi luôn trong một tâm thế: cuộc sống luôn thay đổi, việc của mình là luôn học hỏi để linh hoạt thích nghi với những thay đổi đó. Lo sợ vừa đủ có thể rất tốt cho phát triển, nhưng lo sợ quá thì ta sẽ bị nó đè chết.

Vậy nên, cứ đọc sách và xem phim thôi. Tương lai thế giới đều nằm trong đầu những nhà văn và những nhà làm phim.

Comments are closed.