Vương quốc sáng tạo: Sự thẳng thắn, trung thực của Pixar

Làm trong lĩnh vực sáng tạo, và tôi yêu những bộ phim hoạt hình, đặc biệt là những phim của Pixar Animation Studios. Tôi luôn tò mò làm sao mà Pixar có thể tạo ra những sản phẩm tuyệt vời, đầy sáng tạo nhưnglại vô cùng cuốn hút hết lần này đến lần khác như thế.

Trong cuốn tiểu sử về Steve Jobs, Pixar như một cuộc phiêu lưu nhỏ khi đặt cạnh Apple, nhưng với những con người cùng Steve tham gia cuộc phiêu lưu đó, Pixar chính là bước đệm, chính là nền tảng để tái sinh một Steve, giúp ông có thể quay trở lại Apple với một tâm thế hoàn toàn khác, áp dụng những chiến lược phát triển sản phẩm, kinh doanh mới – được đúc kết từ chính Pixar.

Ed Catmull và John Lasetter hiện đang giữ những vị trí quan trọng nhất của Walt Disney, nhưng chính họ là những người đã bị Disney từ chối, sa thải trước đó. “Vương quốc sáng tạo”  là câu chuyện mà Ed đã cùng John xây dựng một Pixar làm thay đổi ngành điện ảnh thế giới khi đưa công nghệ vào sản xuất các tác phẩm điện ảnh.

Có thể nói, với Ed, văn hóa là yếu tố quan trọng nhất trong những thứ để giúp cho Pixar trở nên trường tồn với thời gian: “Mục tiêu của tôi là xây dựng một nền văn hóa của Pixar, thứ sẽ tồn tại lâu hơn các nhà sáng lập của nó là Steve Jobs, John Lasseter và tôi.”

Văn hóa của Pixar là một văn hóa thúc đẩy sự sáng tạo được xây dựng dựa trên nguyên tắc “Trung thực, thẳng thắn”. Nó được gọi là Braintrust.

Braintrust giúp các thành viên của Pixar có thể tận dụng được nguồn lực đám đông trong việc sáng tạo. Nơi mà một người đưa ra ý tưởng, và những người khác có thể thẳng thắn đưa ra những suy nghĩ của mình về ý tưởng đó – với tinh thần góp ý tích cực, để giúp ý tưởng trở lên tốt hơn – chứ không phải vùi dập nó.

Với tinh thần Braintrust, mọi sự góp ý đưa ra là dành cho ý tưởng – chứ không phải dành cho người chủ của ý tưởng. Người đưa ra ý tưởng không bắt buộc phải nghe theo bất cứ lời góp ý nào – kể cả đó là ý kiến của những người có cấp bậc cao hơn.

Đằng sau những bộ phim thành công nối tiếp thành công của Pixar không phải bởi họ có những con người tài giỏi, mà là ở chỗ họ đã xây dựng được một văn hóa để những con người tài giỏi đó có thể thẳng thắn với nhau, giúp nhau hoàn thiện những ý tưởng của họ.

Văn hóa về tranh luận hiện nay ở rất nhiều các công ty đang tạo ra nhiều rào cản hơn là thúc đẩy các ý tưởng phát triển. Bởi mọi người không dám thẳng thắn với nhau. Mọi người thường không nhìn vào ý tưởng để đánh giá, góp ý mà nhìn vào người đưa ra ý tưởng để xem xét. Mọi người sợ người khác đánh giá về mình chứ không phải về ý kiến/ý tưởng của họ.

Tôi đã có những trải nghiệm về điều này của bản thân mình. Nhóm creative/content ở chỗ tôi có group skype và facebook riêng. Chúng tôi thống nhất khi ai đó có ý tưởng gì mới sẽ chia sẻ lên các group đó, và mọi người sẽ đưa ra ý kiến của họ. Tôi post lên đó vài ý tưởng, đã phần đến “seen” nhưng chỉ 1-2 người đưa ra ý kiến. Ý tưởng đó vẫn chỉ là ý tưởng. Bản thân tôi cũng không còn muốn chia sẻ các ý tưởng mới mẻ nữa.

Vương quốc sáng tạo còn là những bài học rất quý giá về việc xây dựng doanh nghiệp lấy con người là trung tâm. “Chúng tôi bắt đầu từ giả định rằng nhân viên của chúng tôi rất tài năng và luôn khát khao được cống hiến. Chúng tôi thừa nhận, chứ không phải cố ý, rằng công ty của chúng tôi đang khiến những tài năng đó ngột ngạt khó thở theo vô số cách thức không thể thấy được.”

Trong một nền kinh tế nhiều sự thay đổi như bây giờ, doanh số, lợi nhuận thường được các chủ doanh nghiệp lấy làm chỉ tiêu tăng trưởng của mỗi năm, mà  quên đi việc xây dựng một văn hóa phù hợp, thì rất khó có được sự phát triển lâu dài.

Comments are closed.