Đôi điều về bản dịch “Kẻ ngoại cuộc” của Nhã Nam
Hảo không giỏi tiếng Anh, không biết gì về tiếng Pháp, nên chưa từng đọc một tác phẩm văn học nước ngoài nào ở bản gốc của nó. Nhưng Hảo lại rất mê văn học nước ngoài, đặc biệt là những tác phẩm của các tác giả được Nobel văn chương. Do đến với sách khoảng 4 năm nay, không có cơ hội sở hữu các bản sách phát hành trước đây, nên giờ hễ nghe có tin xuất bản sách Nobel là đặt mua. Khá nhiều cuốn mua mà chưa kịp đọc.
Trước khi bản dịch “Kẻ ngoại cuộc” xuất hiện, Hảo đã mua bản dịch “Người xa lạ” từ năm 2019, nhưng không đọc. Khi cầm trên tay “Kẻ ngoại cuộc” bìa cứng thì đã lật đọc luôn. Ngay trang đầu tiên thôi, những câu từ của dịch giả dùng đã khiến Hảo bị mất phương hướng, không thể nắm bắt được ý tứ của câu chuyện. Rồi cả những trang sau cũng khiến cho Hảo có cảm giác, mình là một kẻ ngoại cuộc của bản dịch này. Ngôn từ này không dành cho sự hiểu biết quá hạn hẹp của mình!
Vậy nên Hảo gấp “Kẻ ngoại cuộc” lại và mở “Người xa lạ” ra đọc. Và đọc hết được đến tận cuối trang cuối cùng. Sau khi đọc xong, Hảo lật lại hai bản dịch đối chiếu, để tìm hiểu xem tại sao mình lại không thể hiểu được “Kẻ ngoại cuộc” nhưng lại hiểu được “Người xa lạ” và nhận thấy có một vài câu từ trong “Kẻ ngoại cuộc” đúng là không thật sự dễ hiểu với Hảo. Cũng có nghĩa nó sẽ rất khó hiểu hoặc gây hiểu sai đối với rất nhiều bạn đọc trong độ tuổi của Hảo hoặc trẻ hơn. Xin được chia sẻ lại với các bạn trong group vài điểm khó hiểu đó.
Đầu tiên là từ “lấy” được dịch giả Liễu Trương dùng trong “lấy xe buýt”, “lấy tàu điện” để chỉ việc bắt/đón xe/tàu để đi đến một điểm nào đó. Theo từ điển Tiếng Việt của Giáo sư Hoàng Phê, “lấy” có nhiều ý nghĩa, nhưng đều quy về nghĩa “làm cho mình có được” cái gì đó để sử dụng, ví dụ như: lấy bút để viết, lấy xe máy để đi chơi, lấy cắp, … Nên khi đọc “lấy xe buýt”, Hảo bị hiểu là nhân vật này chắc là có xe buýt riêng, hoặc là tài xế xe buýt, việc “lấy” là chủ động muốn lúc nào là được lúc đó. Nhưng ở trang sau, có đoạn “Tôi đã chạy để khỏi hụt chuyến xe” thì Hảo hiểu là mình đã nắm bắt sai ý của tác giả ở trang trước. Ảo thật đấy!
Cụm từ thứ hai là “nhà dưỡng lão”. Trong thời đại ngày nay, nhà dưỡng lão là nơi dành cho người già đến nghỉ ngơi an dưỡng tuổi già, và thường là mất một khoản chi phí để được ở đó. Bản thân cụm từ cũng nói rõ là nhà-dưỡng-lão, rất khó để Hảo hiểu khác đi được dựa trên những trải nghiệm hạn hẹp của mình. Nó không có vấn đề gì với cụm từ “nhà dưỡng lão” nếu như không đọc hết tác phẩm. Bởi sau đó, nhân vật “tôi” đã dính vào một vụ án, mọi lời khai của các nhân chứng đều chống lại anh ta, bởi vì (một phần lớn lý do) anh ta đã cho mẹ mình vào “nhà dưỡng lão”.
“Nhà dưỡng lão” theo Hảo là từ mới được hình thành từ khoảng sau chiến tranh thế giới thứ hai, hoặc có thể là muộn hơn. Chứ trước đó, nơi mà mẹ của nhân vật “tôi” cũng như các nhật vật khác là bạn, là người gác có thể là “nhà tế bần” – một hình thức phúc lợi xã hội dành cho người nghèo, người già không nơi nương tựa ở các nước phát triển. Xét theo cách hiểu này, và đặt nó vào bối cảnh của câu chuyện, Hảo thấy có phần hợp lý hơn. Bởi vì không nuôi được mẹ, nhân vật chính đã đưa mẹ vào nhà tế bần và bỏ mặc bà ở đó. Khi mẹ mất thì đến tham gia đám tang như một người xa lạ. Sáu đám tang đã hẹn hò, đã xem phim hài. Nên mới gây ra sự phẫn nộ của các nhân chứng trong phiên tòa. Dùng “nhà dưỡng lão” Hảo thấy các nhân chứng vô lý, chậm tiến và “tôi” rất đáng thương. Còn dùng “nhà tế bần”, Hảo lại thấy “tôi” thật kinh tởm. Hai cách dùng từ rõ ràng là đem lại hai trạng thái cảm xúc hoàn toàn khác biệt.
Ví dụ ở một đoạn khác, sau khi ở đám tang về, hôm sau nhân vật chính dậy muộn, trong lúc cạo râu “Kẻ ngoại cuộc” đã “quyết định đi tắm”, rồi “lấy tàu điện” để đi đến “nhà tắm ở hải cảng” và “ngụp xuống một cái lạch”; còn “Người xa lạ” thì “quyết định đi bơi” rồi “bắt xe điện xuống bãi tắm ở bến cảng”, và “ngụp lặn trong một eo biển”. Ở “kẻ ngoại cuộc”, nếu Hảo hiểu đúng theo cách dịch, anh ta chính xác là có vấn đề về thần kinh, bởi nếu chỉ quyết định tắm thì anh ta có thể mở vòi hoa sen, hoặc xả nước ra tắm, sao phải mất công đi lấy tàu điện, đi ra nhà tắm ở hải cảng (cảng biển có hoạt động vận tải), rồi lại ngụp xuống 1 cái lạch? Ảo thật đấy! Quả là ngôn từ đó không phải dành cho sự hiểu biết quá hạn hẹp Hảo.
Hoặc có thể nào, chính cách dùng những từ ngữ xa lạ có phần “ngoại cuộc” này là thủ pháp nghệ thuật của dịch giả, nhằm lột tả cái nhìn mọi điều bình thường của nhật vật “tôi” đều không bình thường. Anh ta nhìn, nói, làm và coi mọi thứ khác với cách nhìn, cách nói, cách làm của một người bình thường. Thế nên anh ta mới là “Kẻ ngoại cuộc”, là “người xa lạ”!
Với cá nhân Hảo thích bản dịch “Người xa lạ” của dịch giả Thanh Thư hơn.
Comments are closed.