Mù lòa | José Saramago

Hiệu sách nhỏ ở Paris của Nina Goerge đã đưa tôi đến với Mù lòa. Và quả thật nó đúng là một liều thuốc khó uống cho người đọc – đặc biệt là những người trẻ tuổi.

Đó là câu chuyện về một dịch bệnh – mù trắng – và tất cả những gì diễn ra đúng như ngoài đời thật ta làm khi gặp một dịch bệnh. Cách ly, vỡ trận, cả thế giới chìm trong một cơn dịch mù trắng. Chỉ trừ một người, một người phải nhìn thấy để còn kể câu chuyện này tới bạn đọc.

Ám ảnh mà không rùng rợn

Thế giới chìm trong đại dịch mù trắng đầy điên loạn, đầy rác rưởi, nhoe nhoét cứt, người cắn người, sờ soạn trong một màu trắng để cắn xé nhau, chiếm đoạt nhau về của cải, tình dục, quyền lực. Thế giới không có bệnh mù cũng vậy: đầy điên loạn, rác rưởi ở khắp mọi nơi, ngập tràn cứt, người cắn xé người, chiếm đoạt của cải, tình dục, quyền lực, … mà có mấy người nhìn thấy? Câu chữ trong sách cũng trôi nổi lềnh phềnh lên nhau.

Cứ mỗi trang sách trôi qua, ta lại háo hức đọc chờ xem điều gì sẽ chờ đón ta ở phía trước. Họ sẽ sống làm sao? Vợ bác sĩ sẽ lựa chọn làm gì những hàng nghìn lựa chọn? Bà vẫn nhìn thấy nhưng thực sự bà có nhìn thấy những gì sắp xảy đến? Liệu bà có bị mù không? Từng ngày cứ trôi qua, trôi qua mà ta chẳng thấy sợ hãi.

Tình dục muôn màu cảm xúc

Cô gái đeo kính đen từ phòng khám đến phòng khách sạn, và mù, và ta thấy thích đáng, thấy sung sướng cho loại đàn bà mất nết này. Đúng là trời có mắt mà. Thật là hả hê.

Rồi khi ở khu cách ly – thật khéo léo – một bệnh viện tâm thần, những kẻ đến sau với vũ khí, với một người mù đen đã bóc lột tiền của, và bóc lột cả thể xác những người phụ nữ. Những phụ nữ khác hiến dâng mình cho những người đàn ông trong phòng, Cô gái đeo kính đen cũng vậy, cô làm điều đó với từng người bằng tất cả sự dâng hiến, cả với ông già chột một mắt. Ta thấy thương, thấy yêu, thấy cảm phục, thấy trân quý.

Khi lũ lượt kéo sang phòng của những kẻ cầm quyền, đổi tình dục lấy đồ ăn cho phòng, ta thấy đau đớn, thấy xót xa rồi căm phẫn. Ta sẽ coi vợ bác sĩ là anh hùng vì đã giết chết tên cầm đầu, rồi đốt sạch giết sạch cả cái lũ khốn kiếp đó.

Chẳng cần một cái tên nhưng khiến ta phải suy nghĩ

Không có một cái tên nào xuất hiện trong sách. Không tên nhân vật, không tên địa danh, không tên nào hết. Cái tên duy nhất lại là tên một con chó. Động vật lại con người hơn cả con người. Nhà văn viết văn dù biết rằng chẳng ai sẽ đọc nó. Bác sĩ mắt không thể chữa cho chính mình. Người nhìn thấy thì để cho kẻ mù bóc lột hết lần này đến lần khác, đến khi chẳng còn gì nữa mới phản kháng lại.

Rồi tất cả tượng trong nhà thờ cũng che băng ở mắt. Thần thánh không muốn nhìn con chiên của mình? hay họ cũng bị dịch bệnh như họ? Bà lão mù vào ở nhà cô gái đeo kính đen tự trồng rau, tự nuôi gà-thỏ, và ăn sống chúng. Rồi được chôn trên chính mảnh vườn đó.

Rất nhiều những tình tiết khác nữa đều là một cuộc đấu tranh tư tưởng, một sự chuyển biến tâm lý rất con người, rất nhân văn và ẩn chứa rất nhiều bài học sâu sắc.

Comments are closed.