Đọc Lạnh lùng của Nhất Linh ở thế kỷ 21
Đọc truyện xưa, ta thường vô thức đặt nó vào hoàn cảnh của ngày này để so sánh một cách vô thức. Thấy thương, thấy cảm thông và thấy đẹp.
Phụ nữ của thời cách đây gần một thế kỷ là thời của tam tòng tứ đức, cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy, xuất giá tòng phu, phu tử tòng tử. Nên nếu chỉ cần có trong đầu mình cái suy nghĩ đi ngược lại, làm trái lại những thứ trên đều là thứ con gái hư hỏng, mất nết.
Do vậy, cái tình thế của Nhung trong “Lạnh lùng” là một tình thế trái ngang. Lấy chồng theo sự sắp đặt của cha mẹ chứ không có tình yêu. Chồng mất khi cô vừa tròn hai mươi. Theo lẽ thường, sau ba năm chịu tang, cô có thể được tự do tìm cho mình hạnh phúc mới.
Nhưng trớ trêu thay, với những luân thường đạo lý ngày ấy, cô đã không được phép làm thế. Ôi, ở cái tuổi hai mươi ba đúng độ đẹp nhất, căng tròn nhất của thanh xuân, Nhung lại còn là “gái một con” nữa, cô đã phải đè nén những cảm xúc của mình, đấu tranh giữa khát khao cá nhân với thể diện của gia đình mình, gia đình nhà chồng. Một cuộc chiến tâm lý rất con người.
Ta sẽ rất dễ đồng cảm với những cảm xúc của Nhung, thông cảm và như đang sống trong chính những cảm xúc ấy. Chênh vênh giữa hai lựa chọn, mà chọn cái nào cũng phải đánh đổi một cái gì đó – cái mà ta đều trân trọng.
Một đằng là tình yêu, là tương lai của mình, nếu theo Nghĩa, sẽ được sống với đúng những cái ôm da diết, nụ hôn nồng nàn và cả đụng chạm xác thịt. Nhưng sẽ khiến cho bố mẹ mình buồn mà sinh ra ốm đau đến chết, khiến cho cái danh giá của bốn chứ “tiết hạnh khả phong” của mẹ chồng bị hoen ố.
Để rồi, lựa chọn còn lại trở thành lựa chọn mang tính hi sinh, ở vậy thờ chồng nuôi con chăm cha mẹ. Và tham gia vào một đời sống giả dối. Cô vẫn giữ được tiếng thơm “tiết hạnh”, dù đã không còn xứng với nó nữa, khi đã yêu Nghĩa, đã vụng trộm với tình yêu đó hết lần này đến lần khác. Mẹ chồng cô dù biết tỏng cái sự tình đó những vẫn phải tìm cách để lấp liếm, để cho đậy giúp cô, vì cái bức “Tiết hạnh khả phong” mà mình đã sống với nó một đời.
Có lẽ, con người ta thích sống giả dối như thế, bởi nó giúp ta có được một cái mặt lạ đẹp đẽ – cái thể diện – để khoe với đời? Hay cái thể diện đó như một thứ thuốc độc đang giết dần giết mòn những cảm xúc, những ước mơ, những con người đầy đam mê và nhiệt huyết.
Nếu Nhung sống ở thời nay, vào thế kỷ 21 này, thì hẳn cô sẽ thoải mái sống với niềm khát khao yêu và được yêu của mình. Những lời tự sự của cô trên Twitter, những tấm hình của cô Facebook, những clip của nàng trên TikTok, … hẳn sẽ nhận được rất rất nhiều lượt tương tác.
Tiếc là Nhung lại sống vào những năm ba mươi của thế kỷ trước…
Comments are closed.