Dám can đảm!

Một tối nọ đi làm về muộn, tạt vào quán ăn đêm nào đó nghe lỏm câu chuyện của đám thanh niên vừa trượt lô đề gì đó, cắm cố xe cô, khuyên bảo nhau: Dám làm, dám chịu!

Chữ DÁM là cách nói gần gũi của lòng DŨNG CẢM, nhưng vì từ dũng cảm nghe nó mỹ miều, lại thường được dành riêng cho những anh hùng, những tấm gương sáng, nên nó cũng được dùng khá hạn chế.

Chữ DÁM là cách nói kiêu sa của LIỀU LĨNH, nhưng vì liều lĩnh nghe nó kém sang chảnh, và thường được dùng riêng cho những hành động mang lại hậu quả xấu, nên nó cũng xếp vào vùng hạn chế.

Bởi chẳng thể biết trước được việc mình làm lúc này sẽ được gọi là DŨNG CẢM hay LIỀU MÌNH sau này nữa, nên ta cứ dùng từ DÁM cho an toàn.

Thực ra, DÁM = CAN ĐẢM.

Thật may mắn, lòng can đảm vốn là đặc tính vốn có của mỗi người, nhưng thường lại không được thể hiện đúng ngữ cảnh, nên có người thì trở thành anh hùng, có kẻ trở thành tội đồ bị người đời ghét bỏ.

Bởi nỗi lo lắng bị người ta ghét ngày càng lớn đã biến thành nỗi sợ, khiến cho chúng ta không còn muốn can đảm nữa, chúng ta không can đảm vì chúng ta sợ.

Trận tứ kết C1 lượt về năm nay giữa Real Madrid và Juventus sẽ còn được nhắc lại nhiều năm nữa, tiếng còi của trọng tài Oliver vang lên vào phút bù giờ cuối cùng, một quả phạt đền, một thẻ đỏ, Ronaldo sút phạt thành công, Real thắng chung cuộc sau 2 lượt, giành vé đi tiếp.

Có mấy trọng tài can đảm trong tình huống này như Micheal Oliver? Có mấy cầu thủ can đảm lãnh nhận trách nhiệm đá phạt như Ronaldo?

Trong cuộc sống, công việc hay kinh doanh cũng vậy, khi đứng trước những lựa chọn mang tính bước ngoặt, mấy ai trong chúng ta đủ can đảm để đưa ra quyết định của riêng mình?

Và may thay, dù chọn CAN ĐẢM, DŨNG CẢM hay LIỀU LĨNH thì bản chất của 3 từ đều như nhau. Miễn là ta thấy mình phù hợp với từ ngữ nào.

Riêng tôi, tôi chọn DÁM cho ngắn và gần gũi!

Comments are closed.