[Small Data] Dữ liệu nhỏ, có võ!

Xây dựng chiến lược tiếp thị: Hãy va chạm với thực tế!

Đánh răng ít nhất 2 lần/ ngày là lời khuyên mà các nha sĩ dùng như một câu thần chú cho tất cả khách hàng của mình. Kem đánh răng và bàn chải răng trở thành những phần tất yếu của cuộc sống mỗi người.

Các quảng cáo về bản chải đánh răng mà tôi nghe trên tivi thường nhấn mạnh vào yếu tố lông chải mềm, không gây tổn thương lợi.

Nhưng có chắc là mọi người thích lông bàn chải mềm?

Hôm trước, bị viêm lợi, tôi đến một cửa hàng thuốc tây gần nhà. Khi tôi nói tôi bị viêm lợi, mọi người đang đợi lấy thuốc bắt đầu bàn luận về răng lợi và bàn chải. 3 trong 5 người nói không thích bàn chải mềm, họ thích bàn chải lông cứng!

Có thể con số 3/5 người là quá ít so với hàng triệu người. Nhưng sự thật là: không phải ai cũng thích bàn chải lông mềm. Nên quảng cáo bàn chải lông mềm đã làm giảm số lượng khách hàng là điều chắc chắn!

Cách mạng công nghiệp 4.0 đang làm thay đổi thế giới ở tất cả các lĩnh vực – tiếp thị cũng vậy. Những thống kê của Google, của Facebook về khách hàng tiềm năng để gợi ý cho người làm quảng cáo khá thuyết phục, rất gần với đối tượng của sản phẩm/dịch vụ mà nhà quảng cáo hướng đến về: sở thích, độ tuổi, giới tính, vùng địa lý, ngôn ngữ, …

Nhưng kết quả thu được, tỉ lệ chuyển đổi lại rất đáng thất vọng!

Bởi những thông tin mà người dùng khai là không đúng. Họ khai cho đủ, khai như một trò chơi, khai để khoe mẽ và thậm chí là khai để dắt mũi các công cụ phân tích dữ liệu lớn của Google, Facebook, …

Do vậy, để xây dựng các chiến dịch tiếp thị hiệu quả, phải nghiên cứu thực tế, va chạm với khách hàng, đặt mình vào vị trí của họ, thử sống cuộc sống của họ, với tâm tư, suy nghĩ của họ, thì mới nhận ra được chính xác điều gì khiến họ ấn tượng, diều gì khiến họ thích thú.

Đó là những gì mà “Small Data” muốn truyền tải đến người đọc. Đừng nhìn khách hàng bằng cái nhìn của những nhân vật trong câu chuyện “Thầy bói xem voi”. Hiện nay, có rất nhiều người làm trong lĩnh vực tiếp thị đang làm thầy bói.

Từ số liệu đến thực tế

Cuối năm ngoái, công ty tôi phát hành phần mềm giúp chủ nhà hàng, quán ăn, quán cafe quản lý hoạt động kinh doanh của mình trên nền điện toán đám mây. Người phụ trách Marketing cho sản phẩm này dựa vào dữ liệu của các công cụ marketing phán đoán đối tượng sử dụng phần mềm có độ tuổi từ 22 đến 45. Tôi không đồng ý lắm, bởi theo tôi, chỉ những người trẻ mới quan tâm và dám thử nghiệm công nghệ mới.

Tuần trước, tôi và bạn đó đi ăn ở một quán ăn có người quản lý là một phụ nữ lớn tuổi. Khi vãn khách, cô ấy lôi mấy cuốn sổ, hỏi nhân viên một số khoản chi, rồi ghi ghi chép chép. Tôi hỏi: Giờ cháu thấy người ta dùng phần mềm quản lý trên điện thoại nhanh lắm, sao cô không thử ạ? Cô bảo dùng sổ sách quen rồi.

“Small Data” còn cung cấp rất nhiều thông tin khác mà khi đọc tới, bạn sẽ thấy bị bất ngờ – bởi nó trái ngược với những gì mà bạn từng dự đoán trước đó về nó. Ví dụ như ở Mỹ, tôi cứ nghĩ là một đất nước an toàn nhất thế giới (bởi pháp luật, văn hóa, …), nhưng không phải vậy, mọi người ở đây cảm thấy bất an nhất, họ luôn đề phòng và nghi ngờ nhau. Nếu vào nhà vệ sinh nam ở Mỹ, bạn ngó sang nhìn người bên cạnh, sẽ bị xem là hành động gây hấn.

Comments are closed.