Câu chuyện đọc sách của tôi

Là đọc sách trở lại

Nói là đọc lại, vì trước kia, khi còn học phổ thông tôi đã từng rất thích đọc sách, ngoài sách giáo khoa, tôi cũng tìm kiếm, mò mẫm các loại sách khác để đọc. Nhưng vì những lí do rất là hợp lý, tôi đã bỏ rơi mất thói quen này. Cho đến một ngày…

Làm trong lĩnh vực sản xuất video, niềm đam mê của tôi là các thiết bị công nghệ, máy tính, máy ảnh, drones, lens, … nên lẽ dĩ nhiên, mọi gom góp của tôi đều đầu tư vào những món đồ chơi đó… chứ không phải sách.

Nhưng mọi chuyện đã thay đổi từ cách đây khoảng 6 tháng, bởi chính các con của tôi.

Công nghệ và Alpha Gen

Như hình ảnh thường thấy ở các gia đình có con nhỏ đang độ tuổi từ 5-10 hiện nay vào buổi tối là: Cả nhà đều dán mặt vào các thiết bị số: SmartTV, smart phone, tablet, máy tính, …

Gia đình tôi của cách đây 6 tháng cũng vậy. Sau bữa cơm, tôi sẽ ngồi máy tính (nhà tôi có 1 PC + 2 laptop), vợ tôi sẽ xem phim trên điện thoại (hoặc laptop), ông bà thì xem ti vi. Hai đứa con tôi, một 6t, một 7t dù ngồi vào bàn để học, nhưng tôi thấy chúng không tập trung được nổi năm phút. Chỉ một lúc là lại xán đến chỗ tôi hoặc chỗ mẹ nó để xem những gì đang xuất hiện trên màn hình.

Tất nhiên, chúng bị quát bị mắng, và bị ép quay trở lại bàn học!

Tôi bàn với vợ và quyết định sẽ không được đụng đến máy tính, điện thoại trong lúc chúng học. Chỉ làm điều đó khi chúng đã đi ngủ! Nhưng hai vợ chồng không duy trì được bao lâu, bởi thế giới của chúng tôi từ khi cưới nhau đến giờ đã gắn liền với thói quen đó rồi. Và suốt những ngày hè, để được yên, chúng tôi cũng cho chúng tiếp xúc với điện thoại, với các chương trình trên SmartTV rồi.

Trẻ sẽ noi theo người lớn

Suy nghĩ của tôi khi đó: Trẻ con sẽ làm theo những gì mà bố mẹ chúng làm, muốn chúng tự giác ngồi vào bàn để đối mặt với những cuốn sách, thì bố mẹ cũng phải như thế. Vậy là tôi quyết định sẽ mua sách về đọc.

Khi đó tôi cũng dành được một ít tiền, dự định mua một chiếc Gimbal về làm video du lịch, video review thiết bị, nhưng vì các con, tôi sử dụng số tiền đó để mua sách.

Tôi chọn mua sách thiếu nhi, truyện tranh cho bọn trẻ; sách về nuôi dạy trẻ các nước cho vợ; và sách kinh tế, marketing, kỹ năng sống cho tôi.

Những đơn sách đầu tiên về, chúng tôi háo hức mở hộp đựng, giống như những video bóc trứng mà chúng thích xem trên Youtube, và chúng hỏi: “Sao Ba lại mua nhiều sách thế ạ?” Làm sao để giải thích cho chúng hiểu được đây ta?

Chợt nhớ đến một bộ phim hoạt hình mà chúng rất thích xem khi đó – “The SpongeBob Movie” trong đó, ngay đoạn đầu phim là cảnh thuyền trưởng vào một hòn đảo, tìm thấy một hòm kho báu, trong đó có một cuốn sách. Tôi bảo: Vì mỗi cuốn sách là một khi báu, như trong phim SpongeBob ấy, nhưng không phải ai cũng có thể tìm thấy kho báu trong sách, chỉ những người đặc biệt mới thấy được kho báu.

Đến thời điểm viết bài này, tủ sách gia đình tôi đã vượt qua con số 200 cuốn. Nhờ các con, hai vợ chồng tôi cũng đã tìm được những kho báu vô cùng quý giá từ những cuốn sách. Chúng đã làm thay đổi cuộc đời vợ chồng tôi – và cả các con tôi nữa.

Giờ đây, mỗi tối, sau bữa cơm, hình ảnh mà ai đến nhà tôi cũng phải ngạc nhiên là cả nhà cắm đầu vào những cuốn sách. Riêng tối thứ 7, chúng tôi cùng ngồi phim hoặc đi ăn vặt thứ gì đó ở bên ngoài.

Đúng là tôi chưa đọc hết 200 cuốn sách, tôi mới đọc được khoảng 20 cuốn, nhưng tôi vẫn đang tiếp tục đặt những đơn sách khác từ Fahasa. Bởi tôi mua sách để chuẩn bị hành trang cho các con tôi. Tôi đã mất 30 năm để tìm thấy những điều giá trị trong sách, tôi không muốn chúng mất chừng ấy thời gian.

Đúng là tôi cũng chưa thể áp dụng tất cả những điều đã lĩnh hội được qua những cuốn sách tôi đã đọc, nhưng những gì tôi đang áp dụng đang làm cho công việc, cuộc sống trở lên dễ thở hơn. Những thắc mắc trước kia của tôi dần dần được trả lời. Tôi rũ bỏ được sự tự ti. Tôi có nhiều ý tưởng cho công việc. Ngôn ngữ viết/nói của tôi cũng linh hoạt hơn.

Có lẽ, điều tôi tâm đắc nhất từ những thứ tôi học được từ sách là từ Pixar, là của Ed Catmull: “Nói ra một câu khẩu hiệu thì dễ, sống với đúng câu khẩu hiệu đó lại là một chuyện hoàn toàn khác.” Mà tôi sẽ trình bày điều này trong một bài chia sẻ khác của mình!

Comments are closed.