Điểm 9, điểm 10… cho ai?

Dù đọc rất nhiều sách, thấm đẫm rất nhiều bài học về giáo dục khích lệ từ những người đi trước, nhưng khi phải đối mặt với những tình huống cụ thể, ta thường lại bị cuốn theo một cách hành xử sẽ mang đến kết quả ngược lại.

Thời học cấp 2, cấp 3, tôi thường nghe thấy bố mẹ các bạn tôi mắng mỗi khi chúng tôi đạt điểm không tốt. Và sau mỗi lần như vậy, câu chốt là: Học thì ấm vào thân mày chứ học cho bố/mẹ mày đâu.

Sự thật có đúng là vậy không? Khi bố mẹ nói với con câu như thế?

Về mặt bản chất, chẳng có gì sai trong câu nói đó cả. Rõ ràng, việc học là tốt cho con, là để ấm vào thân chúng nó. Sai làm sao được. Vậy mà tại sao nói mãi chúng nó vẫn chẳng hiểu ra vậy trời.

Hôm rồi, sau bữa cơm, tôi ngồi đọc sách, vợ bảo: “Hôm nay An có điểm thi học kỳ II rồi đấy, Anh đã hỏi con chưa?” Tôi bèn quay sang hỏi con. 
– Điểm thi của con thế nào? Nói cho Ba nghe với! 
– Con được một con 10 và một con 9 ạ. 
– Ồ, tuyệt! Điểm 9 của môn gì vậy?
– Dạ, môn Toán ạ.
– Sao vậy, con đã làm nhầm ở chỗ nào thế. 
– Cái bài đó hôm trước có 1 bạn lên bảng làm, cô giáo bảo đúng, con làm kết quả đúng như thế, mà lại bị sai. Nên sai là tại cô giáo. 
– Đổ lỗi tại cô giáo là con đang trốn tránh, cũng giống như bữa trước con hỏi Ba về việc một người có tiền mà làm mất tiền rồi đổ cho không may mắn ấy. Con không được đổ lỗi cho người khác với bất cứ việc gì liên quan đến mình. Okie? 
– Vâng, con nhớ rồi ạ. 
– Con có thích điểm 10 hơn không?
– Dạ, có ạ! 
– Vậy lần sau con phải cẩn thận hơn khi làm bài nhé. 
– Vâng! Con cảm ơn Ba.

Sau đó tôi nói chuyện thêm với cháu về việc cần phải sử dụng giấy nháp với môn toán, phải luôn nghi ngờ mọi thứ, không được chủ quan, không được tự mãn, phải bla bla bla.

Khi hai ba con nói chuyện xong, vợ tôi mới quay sang nói về điểm 9 đó, với giọng điệu tỏ rõ sự không hài lòng. Vợ tôi gọi cho cô giáo chủ nhiệm để hỏi về điểm 9 đó ngay trước mặt con. Rồi kể lại cho con rằng cô bảo con thế này, cô bảo con thế kia, và chốt lại: Con học thì được cho ai?

Vậy rốt cuộc là điểm cho ai?

Con cái là niềm tự hào, hãnh diện của cha mẹ. Nhưng tôi có cảm giác, nhiều bậc cha mẹ đang khiến cho niềm tự hào đó trở thành một nhu cầu của bản thân mình. Nhu cầu được tự hào, cùng hình ảnh đứa bạn vừa khoe thành tích 2 điểm 10 của con nó trên Facebook hôm trước, làm cho họ mất đi sự bình tĩnh vốn có, dẫn đến những hành xử đã vô tình biến việc đạt được điểm 9 là một lỗi lầm vô cùng ghê ghớm, một cái tội trong đầu mỗi đứa trẻ.

Và khi họ đặt ra câu hỏi “Con học thì được cho ai?” hay nói câu “Mày học thì được cho mày chứ được cho bố/mẹ mày đâu” với nhã ý và bản chất cô cùng cao cả, nhưng sự thật là CHÍNH BẢN THÂN họ muốn có được cái điểm 10 đó. Họ đang thể hiện nhu cầu được TỰ HÀO, được HÃNH DIỆN và áp đặt con cái phải thực hiện điều đó thông qua việc học tốt.

Khao khát thể hiện bản thân là có sẵn trong mỗi người, bất kể ở độ tuổi nào. Khi đối diện với từng tình huống cụ thể xảy ra với chính con cái của mình, cần phải dừng lại suy nghĩ thật cẩn trọng trước khi nói ra hoặc làm bất cứ một điều gì. Đừng thể hiện cái nhu cầu tự hào của mình ra một cách mất kiểm soát.

Nói làm sao để việc đạt được một kết quả tốt hơn là mong muốn của con, là khao khát của con, là phải do chính con nói ra. Đó mới chính là HỌC CHO CON một cách đúng nghĩa.

Áp dụng trong quản trị như thế nào?

Đối với những cấp quản lý, lãnh đạo cũng vậy. Đừng bao giờ lãng phí thời gian để nói về những kết quả chưa hoàn hảo của một nhân viên trước mặt những người khác. Nói và hành xử làm sao để nhân viên thấy được việc đạt được một thứ gì tốt hơn, một mục tiêu lớn hơn là một kết quả đáng khao khát của chính họ, chứ không phải là một sự áp đặt.

Nói một câu châm ngôn, hô hào một câu khẩu hiệu thì dễ. Sống với chúng lại là một chuyện hoàn toàn khác. Ai cũng có thể biết tại sao phải thế, nhưng không phải ai cũng biết làm thế nào để đạt được điều đó.

Comments are closed.