Chợ muộn…

Đó là nỗi sợ. Không thể là thứ gì khác được.

Người phụ nữ luống tuổi, trong bộ quần áo cũ kỹ, xộc xệch, dắt chiếc xe đạp mini đã bong gần hết sơn, không pedan, dây phanh trước đứt, từ mấy quầy bán rau củ qua mấy quầy bán thịt. Trời đã sang thu được cả tháng rồi mà trưa vẫn nắng như đổ lửa, gay gắt. Chủ các quẩy thịt đôn đả mời chào với những miếng thịt còn lại trên bàn. Người phụ nữ dắt xe qua vài hàng rồi dừng lại ở một quầy, trên bàn bán thịt có một mớ thịt xấu không có tên…

Hắn quay về phía vợ đang mua gừng xả, giục giã: Nhanh lên em ơi!

Hắn sợ phải nhìn thấy điều tiếp theo ở khu hàng thịt, nó đã gợi lại một miền ký ức xa thẳm, đầy khó khăn, cơ cực, … của sự nghèo đói…

*****

Chợ ngày ấy cũng chả có nhiều thứ phải nhớ, cũng chả có nhiều cửa hàng với đa dạng các loại thực phẩm mà lựa chọn. Mỗi lần được bố mẹ đưa tiền cho tự đi chợ chỉ là dăm ba nghìn, không rau thì đậu phụ, không cải thì mùng. Lần nào được mẹ cho lẽo đẽo theo sau xuống chợ qua các hàng thịt là mắt cứ hau háu nhìn vào những thảng thịt nạc, để rồi mẹ bao giờ cũng mua miếng thịt rẻ nhất, nhiều mỡ nhất. Mẹ bảo, mua miếng này về còn có mỡ để xào rau, rán đậu, … Những lần mẹ mua mỡ lá, rán được nhiều mỡ lắm, mà tóp của nó lại rất giòn và thơm nữa…

Có một buổi chiều hè muộn, bố được người ta cho mua chịu cả một cân thịt, nhưng khi về nhà mới biết là thịt ôi, tiếc của, mẹ rán cho đến cháy cả miếng thịt, mà cả nhà vẫn chẳng thể ăn được. Hôm sau, nấu canh cải, chị cho một muỗng mỡ rán miếng thịt đó vào, mà cả nồi canh phải đổ cho lợn.

Việc học ngày ấy cũng chỉ nửa ngày, nửa ngày còn lại phải phụ bộ mẹ việc nhà, mấy chị em chia nhau việc nhà từng li, từng tí. Chị quét sân nhà thì em nấu cơm, chị giặt quần áo thì em rửa bát, …

Làm hết việc nhà đã được chia, bỏ qua những trò chơi khăng, chơi đáo, nó theo mấy anh lớn tuổi lên đồng bắt cua, tát cá. Chả cánh đồng nào là nó không biết, chả bờ ruộng nào mà nó không qua. Tát thùng đấu, tát mương con, hay ngăn cả mương lớn để tát… Là những con rô, con diếc, hay mớ đòng đong, tôm tép, chạch, cua lẫn lộn, với rau sắn hái ở bờ rào mẹ đã ngâm muối, thế là có một nồi rất ngon.

Là những lần trong họ có đám cưới, đám giỗ,… mẹ phải ngồi trông cho nó ăn, vừa ăn vừa nhắc “ăn chậm thôi” mà vẫn không khỏi bị nghẹn vài lần.

Chỉ mong ngóng những “Tết rau bầu”, Tết Đoan Ngọ, Rằm tháng bảy, Tết Trung Thu, Tết cơm mới, … để được ăn tết ở nhà, rồi tết dưới bà Ngoại…

Những tết trôi qua như thế cứ thấm thoắt trôi qua, năm qua năm, mùa qua mùa, trong những mơ ước cháy bỏng của tuổi thơ ấy là sau này lớn lên sẽ mua miếng thịt ngon nhất chợ, sẽ ăn con cá to nhất chợ…

*****

Giờ hắn đã làm được điều đó, gà rừng, lợn mán, cá hồ, món gì ngon lạ mà muốn ăn là hắn có thể mua được. Nhưng mẹ thì vẫn không thể vượt qua, đi ra khỏi được cái suy nghĩ về sự quãng thời gian khó khăn đó. Nó ám ảnh mẹ như là đã ám ảnh hắn khi nhìn thấy người phụ nữ giữa buổi trưa nắng kia. Cầm tiền trong tay mẹ vẫn chỉ mua rau, mua đậu… trên mâm cơm có gà đồi, cá biển mẹ cũng chả ăn. Vẫn thi thoảng một nắm ngọn cúc tần hấp. Vân một tháng vài lần rau sắn luộc chấm tương….

Comments are closed.