Bạn có kịch bản gọi điện chào hàng không?

Một kịch bản gọi điện sẽ mang lại cảm xúc gì?

Hôm đó là 10 giờ 30 phút. Tôi đang có được sự tập trung nhất để hoàn thành một case về làm phim, thì đột nhiên chiếc BlackBerry của tôi rung lên gzừ gzừ.

Nhìn liếc qua màn hình hiển thị, tôi thấy một số điện thoại lạ với một mã vùng không quen thuộc. Ngay lúc này, tôi đã bắt đầu hình dung ra cho bản thân một câu chuyện.

Đó là một đoạn độc thoại về việc ai đó đang cố gắng đánh cắp thời gian của tôi, xâu xé tôi và giao dịch với tôi một cách thiếu trung thực. Tôi nhắc nhở bản thân rằng ngay cả việc trả lời điện thoại cũng đủ khiến tên tội bị cho vào danh sách khách hàng tiềm năng của một ai đó. Biết vậy, nhưng tôi vẫn nhấc máy. “Alo ạ!”.

Câu chuyện trong đầu tôi được xác minh trong vòng chưa đầy một giây. Đầu tiên, tôi nghe thấy tiếng nhấp chuột của một hệ thống máy tính hỗ trợ quay số trước, nó đang chuyển qua người trực tổng đài tiếp theo. Sau đó tôi nghe thấy tiếng rộn ràng và không gian ồn ào đặc trưng của một tổng đài bận rộn. Ngay từ trước khi người trực tổng đài mở miệng nói chuyện, câu chuyện mà anh ta sắp kể đã được kể và được bán cho nhiều người, tôi không có hứng thú lắng nghe.

Để phục vụ mục đích nghiên cứu tôi vẫn tiếp tục chờ thay vì gác máy.

Nhân viên tổng đài bắt đầu nói những câu giới thiệu được chuẩn bị sẵn từ trước. Cô ấy nói ít nhất là mười câu liên tiếp không nghỉ. Và cũng chẳng quan tâm đến việc tôi có tiếp nhận được điều gì không.

Dĩ nhiên là tôi lơ đễnh từ lâu rồi. Đợi cho cô ta nói xong, tôi chỉ hỏi lại: “Xin lỗi, bạn lấy thông tin về tôi từ đâu vậy?” Cô ta tìm cách từ chối rồi xin lỗi vì đã làm phiền.

Bạn còn muốn dùng các kịch bản có sẵn nữa không?

Không có gì khó hiểu khi hơn 50 triệu người Mỹ đã ký vào Bản đăng ký MIỄN GỌI chỉ trong vòng vài tuần. Nếu có một bản đăng ký như thế ở Việt Nam, tôi đồ rằng số lượng người ký chắc cũng phải bằng như vậy. Hầu hết chúng ta đều không muốn nghe những câu chuyện mà nhân viên bán hàng qua điện thoại muốn kể.

Hàng tuần, chúng ta đều gặp những cuộc điện thoại kiểu này, từ những nhà cung cấp dịch vụ cũ (internet, viễn thông, nhà đất, bảo hiểm, …) đến những dịch vụ mới (đào tạo, du lịch, …). Nếu bạn thu nhập tốt bạn có thể nhận được hàng ngày. Và rõ ràng chúng ta đều không thích những cuộc gọi này, chỉ vừa nhấc máy lên, chúng ta đã cảm thấy tức giận vì thông tin của mình đã bị một bên nào đó bán ra ngoài.

Là một nhân viên bán hàng, bạn có đang mang đến cảm xúc đó cho các lead của mình không? Nếu đang, thì tôi chắc bạn cũng đã lãnh đủ kết quả của những cuộc từ chối, những lời khó nghe, thậm chí là cả sự chửi rủa nữa. Stress là điều không thể tránh khỏi!

Hãy cá nhân hóa nếu bạn muốn được nhớ tới!

4.0 đang là từ khóa được nhắc đến nhiều nhất, nó mang một POWER đến nỗi nhiều người nói ra mà vẫn chưa thể hiểu hết về sự mơ hồ của nó. Khởi nghiệp 4.0, Marketing 4.0, Bán hàng 4.0, Làm nông nghiệp 4.0, … bất cứ thứ gì gắn 4.0 vào đều trở nên mạnh mẽ hơn, hợp với chủ trương, chính sách của chính phủ. Nhưng dừng đã. Chính những kết quả của thời đại bùng nổ thông tin cùng giai đoạn đầu của cuộc CMCN 4.0 đã khiến chúng ta mệt mỏi, bị xỏ mũi, bị bán rẻ, … bị mất niềm tin.

Niềm tin. Chính nó! Là thứ đáng giá nhất của giai đoạn này. Điều mà những người bán hàng qua điện thoại hay bán hàng online cần đặt ra không phải là làm phiền, gây giận dữ (tức là gọi điện) được cho bao nhiêu lead, mà là làm thế nào để tạo dựng niềm tin với lead. Một thứ mà chúng ta có thể sẽ mất cả đời để xây dựng, nhưng nó lại rất mong manh, dễ dàng vỡ vụn bởi một status trên mạng xã hội.

Có nhiều cách để người ta tạo dựng niềm tin với người khác. Họ tin những gì mà người thành công nói. Họ tin bạn bè, người thân của mình (hơn lời các nhà quảng cáo). Nhưng điều cốt lõi để xây dựng một niềm tin bền vững, tôi tin rằng đó là CHÂN THÀNH và TRUNG THỰC.

Có cần phải thật tinh tế mới nhận ra được sự chân thành từ một người khác? Có cần phải cực kỳ cao siêu hay hiểu biết rộng rãi thì mới trở nên chân thành được? Tôi tin rằng câu trả lờ là KHÔNG? Thể hiện và cảm nhận sự chân thành là bản năng có sẵn trong mỗi chúng ta. Ai cũng đã từng chân thành rồi, với một vài người, ở trong một lĩnh vực nào đó. Giờ hãy để cho khách hàng cảm nhận được sự chân thành của bạn.

Trung thực là yếu tố đang được các chuyên gia Marketers hàng đầu thế giới như Philip Kotler, Seth Godin xem là thứ quyết định thành bại trong các chiến dịch Marketing trong thời đại của mạng xã hội này. Cái giá của sự thiếu trung thực là vô cùng đắt. Chỉ cần để ý đến những khủng hoảng truyền thông gần đây của Concung hay trước kia là DrThanh thì chúng ta đều thấy nó nguy hiểm đến mức nào.

Hãy tư duy linh hoạt thôi!

Các bài toán được đưa ra luôn được giải theo một vài cách để dẫn đến cùng một kết quả – chúng ta được học như thế – khi gặp một bài toán không có kết quả (một bài toán đưa ra đầu bài sai) thì chúng ta sẽ chẳng biết đối mặt với nó thế nào cả! Nên cả xã hội này đã đồng loạt giận dữ, khi đề thi Văn của một kỳ thi quan trọng vừa qua đã không đưa ra những gì mà người làm đã được học.

Trong kinh doanh cũng vậy, đặc biệt là trong thời đại 4.0 này (dùng cho nó hợp trend), khi mỗi cá nhân trong cộng đồng này đều có thế giới quan khác nhau, nhưng lại có một quyền lực vô cùng mạnh mẽ, thì việc mang những câu chuyện giống nhau để kể cho họ sẽ không bao giờ mang về một kết quả.

Cách duy nhất là hãy hiểu họ, chân thành với họ, kể cho họ nghe thứ mà họ muốn/thích nghe một cách trung thực, để họ cảm thấy như câu chuyện đó là dành riêng cho mình, thì chắc chắn họ sẽ dành thời gian để lắng nghe và phản hồi bạn (cũng như những thứ mà bạn muốn mang đến cho họ).

Comments are closed.