Chuyện chiếc nón lá mang tên “thương hiệu”

Năm 2013 tôi mua 5 cái nón lá (ngoài Bắc gọi là mũ lá) để mấy anh em đồng nghiệp hay ra ngoài ăn trưa có cái che mưa che nắng.

Trưa nào cũng vậy, 5 anh em với 5 chiếc nón lá trên đầu từ toà Technosoft đi khắp các hàng quán ngõ ngách trên phố Duy Tân và Đồng Bông.

Chỉ mấy tháng qua đi, hình ảnh mấy ông nón lá trở thành thân thuộc với dân công sở của toà Technosoft, cũng như ở khu Duy Tân này. Theo ngôn ngữ trong ngành thì nón lá là thương hiệu của 5 anh em tôi.

Ai cũng khen chúng tôi đội rất hợp, trông chất chiếc này nọ các thứ. Rồi nón lại tiện, che mưa cũng hợp, che nắng cũng tốt, lại mát mẻ, thân thiện môi trường các thứ.

Chúng tôi cứ đội những chiếc nón lá đó suốt những năm tiếp theo. Những anh em đồng nghiệp người đến người đi, nhưng 5 chiếc nón thì vẫn còn ở đó. Và lẽ tất nhiên, theo thời gian, chúng cũ, chúng sứt chỉ, chúng bung chóp, chúng tuột đai, chúng rách.

Tôi cũng cố sửa chữa, gia cố chỉ bằng thép một li, gắn lại đai bằng keo nến, cố gắng để vẫn dùng được vì một lẽ: chúng đã gắn bó với mình đã 4-5 năm nay rồi. Mà càng cũ, càng chắp vá thì nom lại càng chất.

Cho đến cuối năm ngoái, công ty có sửa lại văn phòng, tôi phải chuyển tạm chỗ ngồi sang một khu vực khác chung với các phòng ban khác, không còn khu vực riêng của phòng nữa, nên tôi quyết định vứt mấy cái nón đó đi. Một phần là tôi cũng định sẽ sắm một cái nón mới.

Sáng hôm sau đến công ty, tôi thấy mấy chiếc nón vẫn nằm trên bàn chỗ ngồi mới của mình. Hoá ra cô đồng nghiệp kém tuổi tưởng người dọn rác mới không biết chiếc nón cũ đó là “thương hiệu” gắn liền với tôi đã vứt, nên cô ấy đã nhặt lại giúp tôi. Vậy là tôi lại giữ lại đội.

Hai ba tháng sau, tôi tiếp tục chuyển tạm chỗ ngồi thêm một lần nữa. Tôi quyết định vứt lại chiếc nón một lần nữa. Và đúng như dự đoán, sáng hôm sau, nó lại xuất hiện ở chỗ ngồi mới của tôi. Tôi trách mắng cô đồng nghiệp kia, bảo là vứt bỏ đi vì nó cũ rồi, lần trước đã vứt rồi, … nói một lúc cô ấy bảo: em có nhặt lại đâu.??

Lúc sau chị lao công bảo “tưởng em bỏ quên nên chị mang xuống giúp em.” Tôi chỉ còn biết cười và cảm ơn chị. Hết ngày hôm ấy, tôi mang nón ra thùng rác. Quá tam ba bận, ngày hôm sau nó đã không còn xuất hiện trên bàn tôi nữa. Vĩnh viễn và mãi mãi.

***
Thương hiệu không phải là cái nón bạn đội. Nhưng khi bạn đã gắn mình với hình ảnh cái nón, mọi người sẽ nghĩ đến bạn khi nhìn thấy cái nón. Họ cũng sẽ xây dựng lên những ý niệm của họ về bạn bằng những định kiến, kiến thức mà họ có.

Thương hiệu đích thực của bạn là cảm nhận, cảm xúc của mọi người mỗi khi nhắc đến tên bạn. Gần gũi, hài hước, nhiệt tình, sẵn sàng giúp đỡ, khó gần, kênh kiệu, bố đời, … chứ không phải là béo, đội nón lá, đi dép cao su, mặc áo hồng, cắt tóc tém, …

Nhưng con người lại hành xử theo cảm tính và định kiến, nghĩa là trước khi để lý trí có đủ thời gian để phân tích về tính cách đích thực của bạn thông qua việc tiếp xúc, tìm hiểu – thì mọi người đều đánh giá, phán xét bạn thông qua nón áo quần váy giày dép bạn trên người bạn, kiểu tóc bạn để, đồng hồ bạn đeo.

Và chính bạn cũng thế. Chỉ một thay đổi nhỏ trên vẻ bề ngoài của bạn – là cách bạn phá vỡ một định kiến của chính bạn – để trở thành một con người khác trong mắt mọi người, cũng như trong chính tiềm thức của bạn. Nên bạn muốn người ta nghĩ khác về mình, bạn cần thay đổi bề ngoài của mình trước.

Đó là cách thức hình thành thương hiệu, và làm thế nào để thay đổi định vị thương hiệu. Đó là câu trả lời cho việc tại sao các thương hiệu lớn, đến một lúc nào đó, đều thay đổi nhận diện của mình. Từ Coca-cola, Walmart, MacDonald đến Apple, Microsoft, Amazon, … đến FPT, MB, …

***
Khi vứt bỏ cái nón lá cũ đã tạo nên thương hiệu của mình trong 5-6 năm, tôi cũng vứt bỏ đi gu ăn mặc kiểu cũ của mình. Tôi thử cả những style mà trước kia tôi luôn luôn bảo không hợp với mình mỗi khi vợ tôi gợi ý.

Trong giới sáng tạo lưu truyền câu châm ngôn “Muốn sáng tạo thì phải phá gu đi”, tôi thấy thật chuẩn. Sáng tạo là luôn phải đổi mới, con người ta có sẵn trong mình năng lực bẩm sinh tìm tòi cái mới, nếu anh cứ giữ khư khư cái gu của mình thì làm sao mà sáng tạo được. “Thật là điên rồ và ngu ngốc khi bạn cứ làm theo cách cũ rồi mong chờ sẽ mang đến một kết quả mới”.

Và những thứ mới đến với bạn chỉ đơn giản bắt đầu bằng việc bạn dám vứt bỏ một cái nón là cũ.

P/s: Ảnh của bác Nhão Sách

Comments are closed.