Viết cho kỳ nghỉ Tết dài nhất của cháu

Có điều gì đó quen thuộc, điều gì đó từng mang lại những xúc cảm không thể quên, điều gì đó rất thương yêu. Lặp lại như để nhắc nhở ta về những gì mình đang có thật lớn lao biết nhường nào.

Mỗi sáng khi các con thức dậy để bắt đầu một ngày mới cũng là lúc ba của chúng đang bán mặt mình ở một khúc đường nào đó, ai mà biết chắc được, trên quãng đường hơn ba chục cây số. Bảy tám năm trước cũng vậy.

Điều may mắn là buổi tối trở về, chúng hẵng vẫn còn thức. Ba bố con có khoảng ba giờ được bên nhau. Là cùng nhau ăn cơm, là cùng nhau rửa bát, là học cùng nhau. Là nhìn thấy và được lớn lên cùng con. Là được sống và được trưởng thành.

Tối qua khi đóng chốt cửa đi ngủ, vợ có bị kẹt tay, khá đau. Lúc bóp dầu mới kể: Em thấy khá lạ là nhiều ông bố bà mẹ cứ sợ con phải làm việc nhà, phần ít vì sợ chúng vất vả mà phần nhiều vì trông chúng làm đến là ngứa măt, nên mới tự làm cho nhanh. Rồi khi lớn lên, chúng không biết làm hoặc làm không tốt thì lại mắng chửi, phán xét thậm tệ “mày chẳng làm được cái việc gì ra hồn”.

Chẳng ai có thể làm một việc gì thuần thục chỉ sau một vài lần. Chúng ta đã có sẵn trong mình bản năng của việc vấp ngã rồi đứng lên từ ngày học lẫy, học bò, học đi, học chạy, học chữ, học bơi, học đi xe đạp, … Thì việc để các con thấu hiểu điều này là một điều vô cùng quan trọng. Để chúng không sợ khi làm một bài toán mới, không sợ khi quét nhà vẫn còn rác, rửa bát vẫn còn dầu.

Chứng kiến những giọt nước mắt của con khi không thể giải được một bài toán khó dù đã thử nhiều lần là điều không hề dễ chịu. Nhưng nó sẽ êm ái và hạnh phúc vô cùng khi con có thể tự giải một bài toán nâng cao khác với nụ cười rạng rỡ trên mặt. Đập tay với con để chúc mừng, và nói với con rằng: Đây chỉ là một lần tập dượt, còn nhiều thứ khác mới mẻ vẫn đang chờ con khám phá, chinh phục ở phía trước.

Chúng ta hay đánh giá mức độ trưởng thành, thành công của một người bằng thước của cấp bậc, tài sản. Nhưng có một thước đo quan trọng khác bị bỏ quên: sự trưởng thành của cảm xúc. Có nhiều người sống đến hết đời vẫn chẳng dám đối mặt với tất thảy những cảm xúc của mình.

Khi làm tốt, ta vui mừng, bố mẹ thầy cô cũng vui mừng. Khi làm không tốt, bị quát tháo, bị phán xét, bị chê cười, … mà không ai nói cho ta biết phải làm thế nào để vượt qua cảm xúc đó. Nỗi sợ về việc khám phá những điều mới cứ lớn dần lên, từ đó hình thành nên một nền văn hóa sợ hãi – thiếu sáng tạo.

Mỗi buổi tối bên con là cùng nhau học rất nhiều bài học, nhỏ bé thôi nhưng ta biết rắng, phải làm tốt những điều bé nhỏ đó từ đầu, thì mới có thể làm tốt những việc lớn sau này. Mà chả phải tất cả những việc lớn đều là tập hơp của rất nhiều việc nhỏ đấy sao? Việc tuy nhỏ không làm không xong, đường tuy ngắn không đi không tới.

Những ngày nghỉ Tết dài nhất này là một điều không mong đợi. Cuộc sống luôn là những điều không mong đợi, đầy rẫy những bất ngờ. Ta phải luôn ở tâm thế sẵn sàng đón nhận mọi điều không mong đợi với tất cả niềm háo hức.

Thế mới là cái lẽ cần phải học lấy để sống trọn vẹn mỗi ngày.

Hà Nội. 22/02/2020

Comments are closed.