Một Chiến Dịch Ở Bắc Kỳ: Đông A vs. Omega+

Bài này chỉ là một phần bài của bác Nhão Sách đăng trên Facebook. Cảm ơn tác giả đã cho phép đăng lại trên trang blog của Hảo Vũ Viết.

Hình thức bên ngoài

Lợi thế của Omega+ chỉ là thời gian ra trước vài ngày, và tự hào rằng nó là cuốn được dịch đầu tiên tại Việt Nam, nghe có vẻ rất mạnh mẽ, nhưng Đông A đã có một sản phẩm rất tốt về mặt in ấn và đồ họa – một lợi thế mà Omega+ không thể có. Về mặt chung trong design, in ấn và làm bìa áo, thì Đông A rõ ràng hơn Omega+ một bậc.

Tuy nhiên khi nhìn vào series vàng ánh kim của Đông A thì lại là một vấn đề, nếu đứng độc lập thì có thể rất nổi trội, nhưng nó đã quá nhiều kiểu này dẫn đến sự nhàm chán, theo lẽ thường, cái gì nhiều quá và lạm dụng cũng không tốt, trong một chuỗi các cuốn sách bìa ánh kim và ảnh đen trắng như vậy, rất khó để nhận biết sự khác biệt và tạo một cái gì đó mới, mặc dù nó cũng tương đối hoàn hảo, « Một chiến Dịch Ở Bắc Kỳ» nhìn cũng na ná như « Quo Vadis », « Khát Vọng Sống » hay như « Robinson Crusoe »… chỉ khác ánh lên màu hồng kim nhẹ, vậy vấn đề ở đây là cảm xúc mới của độc giả trung thành với Đông A, họ vẫn thấy thiếu cái gì đó mang tính mới để họ khỏi lặp lại cái lối mòn thường ngày, mặc dù cái thường ngày ấy cũng tương đối tốt rồi.

Với bìa cuốn của Omega+, tuy trình design chưa thể đạt mức thượng thừa, nhưng ít ra nó cũng đạt mức chấp nhận được và có màu sắc sinh động, nhìn có vẻ khá ấm áp và có gì đó quen thuộc với sự liên hệ của những vấn đề liên quan, tông màu cờ Pháp làm chủ đạo, hình ảnh trận một trận công thành với các trang phục thời ấy nom khá thú vị, một vài đường nét bản đồ ẩn hiện, như vậy cũng có thể có chút thông điệp gì đó cho nội dung. Như cách nói của CEO bên Omega+ thì thiết kế bìa lần này trên quan điểm rằng muốn tôn trọng và thể hiện góc nhìn của người Pháp/tác giả cuốn sách đối với các sự kiện, văn hóa phong tục của người bản địa An Nam hơn là tự bản chất của sự kiện phong tục ấy được toát lên, nói cách khác, muốn minh định rằng, nội dung cuốn sách là góc nhìn của người ngoài nhìn vào.

Nó hoàn toàn khác với cách thiết kế bìa mà CEO của Đông A quan điểm làm nổi bật các chủ đề của nội dung sách. Design bìa của Đông A có chút công phu, mặc dù không dựa trên màu sắc làm điểm mạnh, mà chỉ là về kỹ thuật bố cục theo phong cách cổ điển, đó cũng là một ý tưởng tốt, nhưng như đã nói ở trước, nó bắt đầu lặp lại nhiều lần na ná nhau, dẫn đến khá tẻ nhạt.

Tuy nhiên Đông A cũng có những câu chuyện tuyệt vời xoay quanh nó, bản thân CEO của Đông A đã trực tiếp design bìa này nên không lạ khi nó được thêu dệt nhiều câu chuyện, thậm chí là cả huyền thoại hoặc có vẻ cho rằng đang khai minh cho độc giả về kỹ thuật design và layout với sự liên hệ tương quan giữa sách cổ Indochina và hiện nay. Đây cũng là những chủ đề khá mới mẻ để tác động và làm cho câu chuyện series bìa vàng ánh kim bớt phần nhàm chán chăng, kể ra cũng là một cách sáng tạo trong việc truyền thông.

Công bằng mà nói, hình ảnh minh họa của bản Đông A rõ nét và giữ được kỹ thuật tạo hình của ngày trước là những nét vẽ lưới, không như bản của Omega+ đã biến thành những hạt tram theo kỹ thuật offset hiện tại. Nhìn hình của bản Đông A người ta sẽ thấy được kỹ thuật thời ấy, còn bản của Omega+ lại không đặt nặng vấn đề ấy nên làm nó trở nên như bức tranh vẽ bút chì.

Kích thước của nhà Omega+ khiên tốn và phổ thông hơn với 16x24cm, bằng kích thước của bản thấp nhất của Đông A, nó thể hiện sự bình thường như bao khổ sách khác, không nổi trội. Ngược lại, với sự thể hiện đặt nặng nhiều về hình thức và rất tâm huyết, bản cao cấp Đông A thể hiện bằng khổ sách lớn hơn, rất đồ sộ 18,5×26,5 cm, làm cho nó chiếm một không gian lớn hơn và nổi bật hơn về hình thể.

Giấy in của Omega+ là Couché nên khá nặng và chắc nịch, nếu ai sở hữu cuốn Leonardo Da Vinci bìa cứng thì có thể hình dung nó gần tương tự vậy, tuy nhiên ở cuốn này lại chỉ in đen trắng cho các hình minh họa, không được lung linh sắc màu như tranh của Da Vinci. Lợi thế về sự nhỏ gọn cho việc mang đi và di chuyển cũng sẽ làm một số độc giả quan tâm hơn. Thông thường nếu cần đẹp về hình ảnh thì in Couché là một lợi thế, tuy nhiên khả năng xử lý đồ họa trong các chi tiết hình minh họa và chỉ in đen trắng nên không thể là điểm mạnh để so sánh với Đông A.

Nếu thật sự một người đặt nặng về thưởng thức hình ảnh, thích thể hiện trong sự trưng diện và đồng cảm với sự hoành tráng, thì gần như họ sẽ chọn của Đông A, các hình ảnh được xử lý rất tỉ mỉ, có cảm giác là rất gần với bản gốc, đặc trưng kỹ thuật vẽ là các đường lưới còn được thể hiện trên hình rất rõ, kích thước hình ảnh cũng lớn hơn nên khi xem bức tranh minh họa của Đông A, người ta có cảm giác đứng trước một khoảng không nơi mà thời gian bị biến mất trong thoáng chốc. Rõ ràng mọi thứ Đông A có vẻ nổi trội nhưng chỉ có một điểm yếu duy nhất là mang danh là kẻ bám đuổi, thế nên dù gì, Đông A vẫn luôn đang cố gắng xóa đi cái mặc cảm là người đi sau trong bản này của Omega+.

một chiến dịch ở bắc kỳ s500 Omega+

Phần bản dịch

Về phần dịch của hai nhà cũng nên nói sơ qua. Nhà Omega+ với nữ dịch giả trẻ Thanh Thư, phần dịch của nhà Đông A là một cụ già đã hơn chín mươi Đinh Khắc Phách. Cả hai bản đôi khi có những lỗi nhỏ nhưng đó là điều cũng không gì quá nghiêm trọng.

Tuy chưa đọc khi sách chưa ra mắt, nhưng phần lớn các nhà bình luận mạng đã nhận xét rằng, bản dịch của nhà Đông A tốt hơn bởi theo lối suy nghĩ rằng do sự trải nghiệm cuộc sống và thâm niên sử dụng tiếng Pháp của dịch giả lớn tuổi. Tuy nhiên, không hẳn thế, tôi cũng đã có tham khảo sơ cả hai bản và so sánh ở một số đoạn để thấy vài điểm khác biệt.

– Dịch giả Thanh thư sử dụng từ ngữ trẻ trung hơn, mang tính hiện đại và thời sự ; Những cổ ngữ hoặc những tiếng lóng, thành ngữ lại được dịch giả Đinh Khắc Phách sử dụng nhiều hơn làm cho ta nhớ về những câu chuyện mà ông bà ta hay kể từ thời thơ ấu.

– Về tổng thể, ngôn từ của dịch giả Đinh Khắc Phách có phần mạnh mẽ và táo bạo hơn, phương diện này được dịch giả Thanh thư mềm mại hóa lại, đôi khi có chút rụt rè, ngôn từ cũng khá dè dặt, điển hình như nói về Trung Quốc thời đó, Thanh Thư dùng từ hiện đại ngày nay là « Trung Quốc », nhưng đối với với Đinh Khắc Phách, ông đã rất bạo gan dùng từ « Tàu » để diễn tả anh bạn láng giềng phía bắc- điều khá nhạy cảm mà không phải dịch giả hoặc nhà làm sách nào cũng can đảm đưa lên để xin xuất bản.

Ở một số đoạn, ở bản dịch của Đinh Khắc Phách lại có xu hướng làm cho ta có cảm giác thấy bị châm chọc miệt thị hoặc xem thường dân An Nam ta, nó có hơi hướng của sự kỳ thị. Nhưng với đoạn dịch của Thanh thư mang tính hài hước nhẹ nhàng, giống như châm biếm bởi chất giọng văn cà khịa của tác giả. Điều này cho độc giả sự cảm nhận khác như những vị rượu vậy, không phải ai cũng nhận ra sự tinh tế của cả hai, một cụ già trải qua thương đau chiến tranh và chứng kiến những mất mát, những thăng trầm sẽ có cái nhìn khá nghiêm khắc với cuộc sống hơn, một cô nàng trẻ trung lẽ dĩ nhiên phải có sự nhìn nhận lạc quan hơn và mọi thứ rất nhẹ nhàng. Điều này rõ ràng phản ánh vào chất vị bản dịch của cả hai.

Phần chú thích thì dịch giả Đinh Khắc Phách và ban biên tập Đông A có phần chịu khó hơn, rất tỷ mỉ và giải thích bằng kiến thức đồ sộ có được từ dịch giả, tuy nhiên ở một số chú thích có phần thể hiện thái quá, làm cho ta có cảm giác tự tin ở mức cao khi thường xuyên phản biện lại ý của tác giả, độc giả cũng có thể hơi bỡ ngỡ bởi cái tôi của dịch giả thể hiện tương đối lớn nó gần như có sự kèn cựa với cả tác giả, và hay cho rằng tác giả nhầm lẫn, điều này xuất hiện quá nhiều cũng là một điều cần xem lại, vì khi xem qua thấy một số phản biện rất phù hợp, một số lại có vẻ chưa hiểu rõ hàm ý tác giả trong ngữ cảnh mà phê rằng tác giả nhầm lẫn hoặc cho rằng tác giả « nói dóc ».

Phương diện chú thích của Thanh Thư và biên tập Omega+ có phần ít và tương đối sơ sài. Điều này cũng dẽ hiểu bởi sự chênh lệch về tuổi đời và vốn sống của cả hai là một khoảng cách lớn. Nhưng nhìn nhận chung thì mỗi bản dịch đều có những cái hay riêng của mình, các bạn trẻ thì có lẽ thấy dễ hấp thụ hơn bởi văn phong của cô nàng Thanh Thư, người già hoặc thích những ngôn từ xưa hơn, thì lại chuộng bản dịch của Đinh Khắc Phách để tìm chút hoài cổ hơn.

Kết

Rất khó có thể đánh giá hơn thua trong cuốn này, bởi hai quan điểm làm sách của mỗi nhà mỗi khác, Omega+ xuất phát từ quan điểm rằng sách để đọc, để khai minh, kế đến đẹp thì tốt, với Đông A thì sách phải đẹp trước tiên, đọc hay không còn xem lại, có thể để chưng diện sưu tầm với kiêu hãnh vẩn vơ, … thế cho nên như ai bảo rằng mọi so sánh đều là khập khiễng, nên chỉ là mua vui với con chữ vậy.

Và cuối cùng tôi yêu cả các nhà làm sách ấy, miễn là sản phẩm tốt, giá thành hợp lý.

Có thể nếu chứng kiến cảnh tượng này, Bác Sỹ Hocquard có thể sẽ viết thêm vào đoạn cuối:

« Người An Nam rất lạ, các cu li của tôi hôm rồi ra phố, họ có mua về cho chúng tôi hai cuốn được dịch qua tiếng của người An Nam, họ còn bảo, nếu cần thêm bản khác ông hãy chờ thêm một thời gian, có một xưởng cũng đang in thêm một bản dịch nữa. Tôi thật bất ngờ, không nghĩ rằng những người An Nam bé nhỏ ở đây lại có sự đam mê tác phẩm của mình như thế, mặt khác lại có rất nhiều nhà đã dịch và in ra, điều đáng khâm phục là họ in ấn đẹp như ở ta vậy.

Một số người Người An Nam cãi nhau về các bản dịch và hình thức của cuốn sách họ đang cầm, họ rất quan tâm những điều nhỏ nhặt như thế, sự tủn mủn khiến họ không nghĩ việc lớn được. Thỉnh thoảng còn có tay nhà nho tủm tỉm cười khi có được chữ ký và triện trong sách, làm bọn trẻ ranh xung quanh không hiểu được gì. Có một người cu li nhắc tôi rằng, sao tôi không lấy tiền bản quyền của các nhà, tôi bảo họ rằng, anh quên là tôi đã chết quá lâu rồi sao…”

— Nhão, mùa xuân – sách và dịch bệnh —

Comments are closed.