Khi mẹo “GIẬT TÍT” được áp dụng vào “GIẬT TỰA SÁCH”

Nó khiến bạn tiếp thị tốt cho cuốn sách, nhưng lại giết chết đơn vị phát hành sách của bạn. Bởi sau khi trải nghiệm sản phẩm, họ phát hiện ra mình bị lừa dối.

Tôi có một thói quen thế này: Bất kể cuốn sách dịch nào sang tiếng Việt, trang đầu tiên tôi đọc chính là trang 2. Đó là trang thông tin về bản quyền, tên nguyên gốc, năm xuất bản. Bởi tôi muốn biết tên gốc của cuốn sách, cũng như để học tập cách dịch của dịch giả.

Có những tựa sách khi chuyển thể từ tên gốc sang bản tiếng Việt xuất sắc đến nỗi, khiến cho cuốn sách mang một bản sắc mới, có một cuộc đời mới. “Đắc nhân tâm”, “Đi tìm lẽ sống” hay “Bố già” là những cuốn sách như vậy. “How to Win Friends and Influence People” là của Dale Carnegie, còn “Đắc nhân tâm” là của Nguyễn Hiến Lê, nên thật nực cười khi có đơn vị nói cụ Lê dịch sách không bản quyền – mà lại lấy chính cái tên ‘Đắc nhân tâm” để đặt tên cho bản dịch có bản quyền của mình.

Nhưng gần đây có những cuốn sách khi dịch tiêu đề sang tiếng Việt, đã đánh mất đi tất cả những bản sắc gốc của sách. Theo tôi còn là sự thiếu tôn trọng đối với tác giả. Như cuốn sách “Xây dựng thương hiệu cá nhân trong thời đại số” trong ảnh đầu của bài chia sẻ này.

Một cái tựa sách chứa đựng 2 keyword “thương hiệu cá nhân”, “thời đại số” – những keyword đang nóng hiện nay. Ngay khi thấy tựa sách, tôi đã ưu tiên mua đầu tiên, nóng lòng đến ngày nhận sách, mở ra đọc và… cảm thấy bị lừa dối.

Chẳng có gì liên quan đến “thương hiệu cá nhân” ở trong này hết. Ngay cả những lời khen từ các chuyên gia cũng không có từ nào đề cập đến vấn đề thương hiệu cá nhân cả. Bạn xem kĩ lại nội dung trong ảnh thứ hai sẽ thấy.

“Swichers: How Smart Professionals Change Careers – and Seize Success” – có chủ đề liên quan đến kỹ năng thay đổi nghể nghiệp. “Nhảy nghề” thông minh để thành công! Không phải và không liên quan gì đến “thương hiệu cá nhân trong thời đại số”.

Tôi đã bị 1980Books lừa một cú đẹp. Rất nhiều độc giả khác có lẽ cũng đã bị lừa như tôi.

Trước đó, tôi cũng đã dính một vài cuốn khác của 1980Books, tuy nhiên, do nội dung bên trong vẫn hữu ích – và tiêu đề vẫn có chút liên quan, nên tôi chỉ góp ý qua Facebook Page. Và tôi phát hiện ra, rất nhiều sách khác của họ cũng đang đặt tiêu đề theo kiểu GIẬT TIÊU ĐỀ này.

Anh chị em nào đang tìm hiểu về thương hiệu cá nhân thì tránh cuốn này ra nhé!

Comments are closed.