Câu chuyện L’ART À HUÉ

I – VIÊN NGỌC L’ART À HUÉ

Như một cách hiểu đơn giản là nhất tiễn hạ song điêu, người làm ra L’Art à Hué đã cho ta thấy rằng khi đối diện với nó, kẻ dốt chữ thì thưởng thức nhiều hơn về hình ảnh, cảm nhận sự tỷ mỉ, tinh xảo và sáng tạo biến hóa của các hình tượng qua tranh minh họa; kẻ yếu về óc mỹ thuật thì nghiền ngẫm con chữ, với biên khảo nghiêm túc, mang tính khoa học, các nhận xét tinh tế, đáng suy ngẫm và hiểu hơn về tính cách dân ta qua nền mỹ thuật thời ấy. Vì thế với người yêu chữ hay yêu hình, đều bị nó mê hoặc.

L’Art à Hué hội tụ được sự đa dạng đáp ứng sự thỏa mãn cho độc giả và đặc biệt là người chơi nhiều khía cạnh, đó là lý do tại sao nó là một viên ngọc rất đặc biệt trong bộ B.A.V.H mà các tay chơi đều mong muốn sở hữu, tay chơi lớn như Cụ Vương từng nức nở khen và sung sướng khi có được nó và sầu não đứt từng khúc ruột khi mất nó. Nhiều tay chơi sách cổ xem nó như một báu vậy trong nhà, tay chơi gạo cội than thở trên hồi ký chơi sách của mình rẳng còn chưa được sở hữu bản 1919. Một số tay còn khẳng định, có nó trong nhà mới là tấm vé bước vào thế giới Indochine, một thế giới kỳ ảo mà gần đây các nhà làm sách mới dần khai thác triệt để như một mỏ quặng quý hiếm.

Có những kẻ lợi dụng danh tiếng của nó có được mà thổi giá lên một cách rất hoang tưởng, như bản đời đầu 1919 lên đến 10.000 usd, chưa rõ thực hư ra sao nhưng trên các trang bán của nước ngoài nó chỉ rơi vào tầm vài trăm usd cho bản 1930. Khoảng gần 10 năm trước, có tay chơi Sài Thành bán bản 1930 không còn đẹp lắm, bị lỗi hơi ẩm chút đỉnh với cái giá 5tr cho tay chơi xứ Trầm được xem là cái giá quá tốt. Năm ngoái, tôi có dịp trò chuyện với một tay lái Sài Thành, được biết rằng giao dịch thành công cho quyển L’Art à Hué 1919 còn khá đẹp cứng cáp chỉ tầm trên dưới 30 triệu VNĐ. Những huyền thoại về nó cứ dai dăng mãi nhưng cũng dần được bạch hóa thời gian gần đây, bắt đầu được tái bản và biên tập lại trong một xu hướng tìm về các sách Pháp ngữ tại Đông Dương thuở trước.

NIỀM CẢM HỨNG CHO CÁC TÁC PHẨM NGHIÊN CỨU VỀ MỸ THUẬT VN VÀ HUẾ:

– L’Art à Hué trở nên niềm cảm hứng nghiên cứu cho các tác giả sau này, một phần nó khơi gợi những ý tưởng mới phái sinh, phần khác nó cũng là căn cứ làm nền tảng nghiên cứu cho các chủ đề có liên quan sau này. Các công trình nghiên cứu sau có sự gắn bó mật thiết như: Nghệ Thuật xứ An Nam của Henri Gourdon (1933) chịu ảnh hưởng khá nhiều từ L. Cardière, Nhã Nam cũng có dịch in lại năm 2017; Mỹ Thuật Nguyễn của Nguyễn Hữu Thông (2019) do Tao Đàn và NXB Tổng Hợp TP.HCM làm (xuất bản lần đầu năm 1992 với tiêu đề Mỹ Thuật Thời Nguyễn Trên Đất Huế, với một nhóm tác giải cộng sự gồm: Dương Phước Luyến – Lê văn Sách- Nguyễn Hữu Thông- Mai Khắc Ứng- Trần Đại Vinh, chủ biên là Nguyễn Hữu Thông và hình ảnh đen trắng cùng một số ít trang màu, khổ vuông nhỏ khiêm tốn, không hiểu vì sao đến lần xuất bản mới nhất này lại chỉ có tên tác giả Nguyễn Hữu Thông); Lược Sử Mỹ Thuật Việt Nam của Nguyễn Phi Hoanh…

Ngoài ra nó còn là sự khơi mạch, là tấm gương cho các nghiên cứu về Mỹ thuật thời Lý, thời Trần của các ấn bản sau này. Về sau rất nhiều các nghiên cứu về mỹ thuật theo khuôn mẫu ấy và phát triển thêm, tuy nhiên về sức hấp dẫn thì các nghiên cứu sau đó vẫn không thể có sức hút mãnh liệt như L’Art à Hué, phần lớn các nhà nghiên cứu văn hóa, mỹ thuật đều xem đây là một hình mẫu không thể bị quên lãng, đủ để thấy tầm vóc của nó quan trọng thế nào.

CÁC BẢN ĐÃ IN TẠI VIỆT NAM

Tính đến thời điểm này (tháng 4/2020) có các lần xuất bản chính thức ấn phẩm L’Art à Hué sau:
– Năm 1919 trong bộ chuyên đề B.A.V.H- Những Người bạn cố đô Huế, đây là bản in L’Art à Hué lần đầu tiên sau nhiều năm thai nghén của nhóm nghiên cứu.

– Năm 1930 được tách ra in lại một lần riêng, người ta hay gọi là Tân Bản, với một dòng tiêu đề ngay trên bìa để nhận biết: Nouvelle édition.

– Năm 1997-2016 trong việc dịch in lại bộ B.A.V.H – Những Người Bạn Cố Đô Huế của một nhóm dịch giả gồm 10 hộp/ 30 tập cho các năm từ 1914 -1944, trong đó có bản L’Art à Hué được dịch bởi Hà Xuân Liêm, Phan Xuân Sanh và xuất bản với Nhà Xuất Bản Thuận Hóa, đây có thể được xem là bản tiếng Việt đầu tiên mà độc giả có thể vừa tham khảo bài dịch Tiếng Việt vừa có thể xem các tranh minh họa một cách khá đầy đủ mà trước đó chưa thể. Ở bản tiếng Việt đầu tiên này, chất lượng về in ấn, giấy, đồ họa mang mức độ dưới trung bình, hình hoàn toàn đen trắng, độ phân giải thấp nên hình in mờ và vỡ nét, có lẽ theo chủ trương cập nhật phổ thông hóa kiến thức nên về hình thức in ấn không đạt. Giai đoạn này người ta có thể nghĩ rằng, giải quyết cơn đói trước hơn là việc phải ăn ngon mặc đẹp như thế nào, có lẽ phần nào được thông cảm hơn bởi lý do trên. Bộ này hiện được tái bản làm lại bằng phiên bản bìa cứng đang lần lượt ra mắt lại và chưa đủ bộ so với phiên bản bìa mềm trước đó.

– Năm 2013, Nhà xuất bản Thế Giới có in lại bản 1930, theo kiểu in lại nguyên bản tiếng Pháp, không dịch, về mặt hình thức và hình ảnh có thể chấp nhận được gần như là một bản sao của bản gốc, có thể nói hình ảnh được tái hiện khá sinh động và gần giống với bản gốc nhất, sự cầu thị được đánh giá cao là vài bản phụ màu được in trên giấy bóng Couche nên thấy được vẻ đẹp của hình tốt hơn, tiếc là nó không được việt hóa, và bìa đã làm lại khác xa so với bản gốc.

– Cũng nên nói thêm vào trước đó, năm 2011, hai dịch giả Ứng Tiếu và Công Tằng Tôn Nữ Lan Hương đã dịch từ phần Các Họa Tiết Hoa Văn trở đi (tức bỏ đi hai phần khảo cứu đầu tiên trong bản gốc L’Art à Hué ) in thành tập sách tựa đề là: Hoa Văn Cung Đình Huế, NXB Tổng Hợp TP.HCM do đơn vị Hương Trang phát hành, đây được xem là phiên bản biến thể thu nhỏ và không đầy đủ của L’Art à Hué. Bản này ít được xuất hiện và có vẻ rất khiêm tốn về mặt hình thức nên ít người biết đến.

– Năm 2019 bản của Thái Hà Books/ NXB hà Nội nhân kỷ niệm 100 năm ngày ra đời bản đầu tiên.

– Năm 2020 bản của Nhã Nam / NXB Thế Giới nhân kỷ niệm 15 năm thành lập Nhã Nam.

KẾT CẤU CỦA L’ART À HUÉ

– L’Art à Hué kết cấu nội dung gồm 2 phần, phần đầu là các bài nghiên cứu đánh giá tổng quan của hai tác giả là Linh Mục Léopold Michel Cadière (chính) và Edmond Gras (một bài duy nhất về Thành phố, nhà ở, đồ gỗ, hàng ren). Tiếp theo đó, Léopold Michel Cadière đi vào phân tích các hình ảnh và chất liệu để tạo nên các biểu tượng cho việc thiết kế, trang trí trên các ứng dụng khác nhau của nghệ thuật xứ Huế, những chi tiết này được tổng hợp từ thực tế và phân loại một cách tương đối hợp lý, cách tiếp cận của Léopold Michel Cadière là về các chủ đề trang trí nội ngoại thất của các nghệ nhân là chính, tuy có đề cập đến các phần khác như điêu khắc thuần túy hoặc tranh phong cảnh có liên quan nhưng không là trọng tâm. Về cơ bản bao gồm theo thứ tự như mục lục sau (lấy theo bản dịch mới nhất của Nguyễn Thanh Hằng- Nhã Nam 2020):

  • Các họa tiết trang trí hình kỷ hà.
  • Các họa tiết ký tự.
  • Tĩnh vật.
  • Họa tiết hoa và lá, dây lá và quả.
  • Họa tiết muông thú (bao gồm: 1.Rồng, 2.Kỳ lân, 3.Chim phụng, 4.Rùa, 5.Dơi, 6.Sư tử, 7.Hổ (cọp), 8.Cá)
  • Các tượng điêu khắc thuần túy.
  • Đề tài phong cảnh. Chú thích bản minh họa.

Cách phân chia mục của các bản dịch thường tuân thủ đúng theo nguyên bản, chỉ có ngôn từ dịch có thể khác đi giữa các bản.

Tất cả các hình vẽ và 222 tranh minh họa phụ bản do các họa sĩ đảm nhiệm bao gồm: Nguyễn Văn Nhơn, Tôn Thất Sa, Lê Văn Tùng, Trần Văn Phềnh.

II – L’ART À HUÉ – BẢN CỦA THÁI HÀ BOOKS VÀ NHÃ NAM.

Câu chuyện bắt đầu thật sự gay cấn là bất ngờ vào 2019, Thái Hà Books quyết tâm làm và ra mắt phiên bản mới, với một lý do để cho chính danh là kỷ niệm 100 năm ngày xuất bản lần đầu 1919- 2019, bản dịch và biên soạn bởi một nhóm nhà nghiên cứu về Huế, vai trò dịch chính là TS. Lê Đức Quang.

Sự nhanh tay của Thái Hà Books làm các nhà làm sách khác không kịp trở tay, Omega + (O+) ngơ ngác, Đông A trăn trở, Nhã Nam trầm tư, Tổng hợp TPHCM, Văn Hóa Văn Nghệ bối rối chưa kịp hoàn hồn…mọi nhà đều nghĩ, đúng ra mình nên làm bản này sớm hơn, trong khi một số còn tiếc nuối và từ bỏ ý định, thì một số lại âm thầm tính kế khác để còn có vai trò và dấu ấn với L’Art à Hué, hoặc tiếp tục cố đấm ăn xôi, hoặc phải làm khác biệt, đặc sắc hơn nữa.

Thái Hà Books khá thành công về mặt thương mại và ghi dấu ấn của mình một cách nhanh nhạy, điều lạ là ít tai ngờ tới, bởi dòng nghiên cứu mỹ thuật thì Thái Hà Books là một tay khá non trẻ, thậm chí còn chưa ra được sản phẩm nào một cách ấn tượng trước nay về lĩnh vực này. Người ta vẫn đang ghi nhớ Thái Hà Books hiện tại chỉ mạnh về sách Tâm linh và Y học thực dưỡng và những những vấn đề liên quan gần như vậy. Cũng chính sự vội vàng và mới mẻ này làm cho sản phẩm của Thái Hà book cũng thuộc dạng không được xuất sắc.

Thái Hà Books làm 3 phiên bản: Bản siêu đặc biệt để đấu giá, các buổi đấu giá cũng khá đình đám và là những sự kiện sách lớn trong năm 2019 (như bài cuối năm ngoái có đề cập). Phiên bản cấp trung là 100 bản đặc biệt có hộp gỗ bìa cứng áo khoác cũng đã nhanh chóng hết hàng bởi một số đối tác phân phối; Với bản này, bìa cứng đúng ra khâu chỉ gáy và có thể mở ra 180 độ thì ở đây khâu xong dán gáy như kiểu đóng keo bìa mềm nên không thể mở phẳng ra 180 độ, đây là điều rất đáng tiếc; Tuy hộp gỗ có vẻ thô sơ và hơi kỳ cục nhưng cũng lạ lẫm và được nhiều người chấp nhận. Cuối cùng là bản phổ thông bìa mềm với cách design bìa thật sự không mang tính thẩm mỹ cao nhằm đồng bộ với tác phẩm, hiện tại sách cũng còn tương đối ít tại các cửa hiệu sách. Ở cả 3 phiên bản chỉ khác nhau hình thức thể hiện bìa hay hộp bên ngoài, về chất lượng in ấn thì không khác, những hình ảnh minh họa được xử lý đồ họa khá tệ và non tay, về cắt tỉa và xử lý đường nét hình ảnh khá nhiều lỗi, màu sắc có thể đã sai lệch ít nhiều so với bản gốc, một số hình ảnh thiếu độ phân giải đã làm nhòe nhoẹt hình ảnh vốn lấy mỹ thuật làm thế mạnh, và nó trở thành một điểm yếu không thể che lấp hoặc biện minh. Các bản L’Art à Hué của Thái Hà Books có thể ví như một cô gái tốt tính, nết na, đảm đang nhưng lại trú ngụ trong một ngoại hình không đẹp, tầm thường và có chút gì đó trục trặc tiềm ẩn trong lục phủ ngũ tạng.

Chính vì khả năng design và đồ họa của Thái Hà Books còn ở mức hạn chế, nên việc lấy nội dung bù lại là một điểm cố gắng đáng ghi nhận, trong lần dịch thuật và xuất bản này, Thái Hà Book đã đưa một vài bài nghiên cứu, bình luận có liên quan vào xem như thể hiện sự đào sâu với tác phẩm. Một cách bạo gan mà nói, các bài nghiên cứu thêm vào này theo thiển ý nhà quê của tôi là chưa hẳn đã đầy đủ và chất lượng hoặc xứng tầm với tác phẩm, một vài nhận xét tương đối vụng và cách biện minh khá ngây ngô theo kiểu chống chế cái dở của dân ta để phản biện lại các luận điểm mà L. Cadière nói về sự hạn chế mỹ thuật cùng nghệ nhân An Nam, với nhà nghiên cứu trong lần in 2019 này, sự hiểu biết và cảm thụ chưa được sâu về tác phẩm và trình phản biện của dịch giả cũng như nhà nghiên cứu chưa thật sắc bén thuyết phục được nhiều người. Mặc dù với các học vị cùng thâm niên hành nghề cũng như lý lịch học khoa học tương đối tốt nhưng cách viết bài và văn phong không được tự nhiên mượt mà hấp dẫn lắm, cấu trúc bài nghiên cứu viết chưa thật sự xứng tầm vóc lớn.

“Gần 150 trang cho các bài viết của nhóm dịch và nghiên cứu đã không làm cho tác phẩm gốc thêm sinh động mà làm thêm sự rườm rà không cần thiết và gần như phá hỏng sự lung linh của tác phẩm gốc” – ấy là nhận xét quá mạnh mẽ táo bạo của một vài tay chơi trong những buổi đấu láo sách vở, tôi thì không dám lạm bàn thế, chỉ để đây cho đa dạng về sự cảm thụ. Cũng nên khách quan mà nói, các bài viết ấy ít nhiều cũng cung cấp được một vài thông tin liên quan bổ sung cho tác phẩm dành cho các độc giả không chuyên hoặc có ít thời gian nghiên cứu sâu lĩnh vực này, đặc biệt là hiểu biết hơn về bộ B.A.V.H và cuộc đời tác giả chính của tác phẩm, rất có thể do người đọc chưa hiểu hết được ý của dịch giả và các bài nghiên cứu ấy chăng!.

Một khía cạnh nhìn nhận khác có thể thấy rằng, các bài nghiên cứu thêm vào ấy có mang hơi hướng truyền thông và phục vụ kế hoạch lan tỏa sản phẩm hơn là hàm lượng mang tính khoa học trong đó. Nếu tinh tế nhận thấy rằng hiện tại, truyền thông internet đã gần như phủ kín các bài viết, hình ảnh liên quan đến bản này khi có một người nào đó tìm kiếm thông tin về L’Art à Hué trên google. Như thế để thấy rằng Thái Hà Books đã độc chiếm các từ khóa trên các kênh báo chí, mạng xã hội, các trang thương mại…

Tuy nhiên điều này sẽ chấm dứt trong tương lai không xa, khi ngay những ngày cả nước còn “đang ở đâu ở yên đó” thực hiện cách ly xã hội, thì Nhã Nam (+ NXB Thế Giới) đã tung ra loạt các phiên bản L’Art à Hué, gây một sự ồn ào cộng đồng sách. Riêng 500 bản hộp bìa da si ép nhũ, mạ vàng 3 cạnh đã không còn hàng sau vài ba ngày mở bán, cái giá 500k cho một bản hình thức như vậy có thể được coi là cái giá “rất chấp nhận được” từ phía các tay săn lùng.

Một ngày đầu tháng tư, chiếc xe tải con đã vét hết kho Nhã Nam, mang đầy bản đặc biệt rải ra khắp các tay lái vệ tinh. Tay lái trẻ bản đặc biệt lớn nhất thành Đại La đã đóng vai trò phân phối hơn một nửa phiên bản này. Một tay lái tại thành Vinh đã không chịu thua kém với gần 150 bản, phần còn lại chia cho các tay lái nhỏ hơn ở một vài tỉnh thành, một số đã đẩy hết và một số còn đang găm hàng chờ đợi, điều ngạc nhiên là các tay lái Sài Thành im lặng và không có động tĩnh, nhưng nghe bảo đã cất vào kho gần 50 bản – có vẻ “một hành vi thể hiện sự quá nguy hiểm”.

Sự khan hiếm này bắt đầu thể hiện rõ khi các tay chơi chậm thông tin đã lang thang khắp mạng xã hội, lân la hỏi các bản đặc biệt và nhận không ngớt lời từ chối đơn hàng bởi không đâu còn nữa, đành ngậm ngùi ấm ức lấy tạm bản bìa cứng phổ thông và chờ sự nhỏ giọt nào đó. Tuy là bản phổ thông giá cực rẻ với hơn 1.500 bản nhưng chất lượng có thể xem là quá tốt với phân khúc giá tầm trên dưới 300k. Bản phổ thông bìa cứng của Nhã Nam nếu so tương đương với bản bìa cứng của Thái hà Books thì thấy hơn hẳn cả về nhiều mặt, từ chất lượng đến giá thành.

Một tay chơi thực thụ Sài Thành đã ôm không dưới 10 hộp đặc biệt với niềm đam mê bất tận, y đã từng sở hữu bản 1930, các bản trong bộ dịch B.A.V.H của Thuận Hóa, bản của NXB Thế Giới 2013, sự khoái cảm đã dâng đầy không gian tủ sách khi 10 bản này đổ về làm y lâng lâng mãi trong buổi chiều Sài Thành đổ mưa trái mùa, còn gì vui hơn khi vây quanh y là những bản L’Art à Hué đầy mầu nhiệm cùng các ấn bản sách mỹ thuật dân gian và nước ngoài của các danh họa khác.

Một điều khá bất ngờ là có thông tin một tay chơi xứ cuối cao nguyên Đông Nam Bộ đã chơi lớn chuẩn bị ra mắt 20 bản bìa da cừu ngay trong tháng 4 này trên nền tảng bản đặc biệt. Quả là những chuỗi khá thú vị trong dòng chảy sách của năm 2020, một giai đoạn dịch bệnh tàn phá mọi thứ, ấy thế mà con người ta vẫn tìm kiếm chơi bản đặc biệt khi những gói mì trên gác đã vơi dần trong mùa cái nắng mưa lẫn lộn của mùa hè. Điều ấy cho thấy phần nào đó nhu cầu về sức mạnh tinh thần không kém gì so với lương thực thiết yếu khác chăng.

ĐÔI ĐIỀU LƯỢM LẶT THÊM TỪ BẢN NHÃ NAM

L'art à Hue

Về chất lượng in rất tốt, cả hai phiên bản đều dùng ruột sách in như nhau, giấy định lượng lên tới 120 gsm, tương đối dày so với các ruột sách phổ thông khác chỉ tầm 80-100 gms. Hình ảnh được xử lý cẩn thận, màu sắc tuy không thể đạt bằng các bản gốc năm 1919/1930 nhưng có thể được xem là tầm 80%, so với các bản khác trừ hai bản gốc ấy, thì đây được xem là bản có hình thức và chất lượng hình ảnh đẹp cho tới thời điểm hiện tại.

Design có bài bản lớp lang và tuân thủ những nguyên tắc nhất định, có xu hướng tôn trọng nguyên bản nhiều hơn, các khung viền trong bài viết và đầu chương mục vẫn tôn trọng 8 loại loại xen kẽ nhau như ở bản gốc. Hình minh họa để kích thước cũng gần với bản gốc hơn. Trong bản của Thái Hà Books thì đã thu nhỏ hình ảnh minh họa gần 50% làm cho các chi tiết đã mờ còn nhỏ và tủn mủn nên rất khó có sự thoải mái khi thưởng thức như một tác phẩm nghệ thuật, cũng ở bản Thái Hà Books, các viền trang trong phần nội dung cũng đã được thay thế bằng viền hoa văn vuông, khá khô cứng và nhàm chán so với 8 loại của bản gốc.

Layout có phần theo bản gốc hơn: Layuot từ nội dung (thu hẹp chiều ngang cột chữ nội dung phần đầu- nhìn thoáng, và tôn lên nội dung hơn) đến cách xắp xếp hình minh họa (lớn, rõ và riêng biệt độc lập) tương đối gần với bản gốc, làm cho người đọc nếu có từng xem qua bản gốc sẽ có cảm tình và có chút gợi nhớ cũng như sự gắn kết mật thiết, tổng hòa làm cho phiên bản này có cảm xúc hơn. Nhìn vào hình các hoa văn rồng phượng, cá chép, bình phong kỳ lân, một góc mái ngói cùng sự tỷ mỉ công phu với đầy màu sắc tươi sáng và tinh tế, người ta dễ quên đi mệt mỏi của đời thường cơm áo và cả dịch bệnh. Các chú thích cũng sắp xếp ở phía cuối sách tương tự bản gốc.

Về phần dịch, tôi có đọc qua hai bản dịch, nhưng lại có sự thích thú hơn với bản của nhà Nhã Nam do Nguyễn Thanh Hằng dịch, không hẳn bởi có cảm tình với hình thức của cuốn sách, mà là cảm giác của sự hấp thụ nó dễ tiếp cận và có vẻ rõ ràng khúc chiết hơn. Với bản của Thái Hà Books, nó dường như hàn lâm hơn thì phải, nhưng đôi chỗ lại bắt gặp lòng vòng khó hiểu, rất nhiều đoạn tôi so sánh thấy rằng, chỉ cần ngắn gọn gẫy góc như cách Nhã Nam làm thì dễ hiểu hơn cách diễn tả rối rắm mông lung của dịch giả Thái Hà Books, hoặc do cách lựa chọn ngôn từ chưa thật phổ quát hay do tính chất vùng miền, tôi cũng không minh định được. Ngay cả cái tựa sách, trước nay người ta chỉ nói “Nghệ Thuật Huế” là đủ là quá trọn vẹn, Thái hà Book đã dịch rằng “Nghệ thuật Và Nghệ Nhân Vùng Kinh Thành Huế” nghe nó có gì đó quá rườm rà không cần thiết. Tôi không thể đánh giá về chất lượng dịch thuật bởi không rành tiếng Pháp và không đủ tầm sánh với các học giả ấy, điều này cần một số nghiên cứu đánh giá của một vài nhà dịch thuật và chuyên môn khác, lẽ dĩ nhiên, tôi không thể lạm bàn khi không có sự hiểu biết trong lĩnh vực này, chỉ nói lên cảm nhận của mình khi đọc hai bản.

Một điều làm tôi có cảm tình hơn là tôi có cảm nhận rằng bản của Nguyễn Thanh Hằng dịch, có gì đó chỉn chu chi tiết trong thái độ làm việc của mình cùng ban biên tập, nó thể hiện tính chất cầu thị và nhìn nhận độc giả là trung tâm của công việc hơn bằng rất nhiều chú thích rất tốt và hữu ích của người dịch. Tôi dẫn dụ vài chú thú rất đáng yêu ví như ngay chú thích đầu tiên giải thích quan điển của từ “le grad art” về một nền “nghệ thuật lớn” với cách hiểu của Người Pháp, chú thích rất kỹ này làm cho độc giả hiểu rõ hơn về điều L. Cadière muốn nói và như vậy cũng đã làm cho sự hiểu lầm trong sự mặc cảm của nghệ thuật ở ta thật sự là điều đáng ghi nhận; Các chú thích cũng rất chăm chút như chú thích tác phẩm điêu khắc Laocoon cho ta hiểu hơn về nghệ thuật Phương Tây với Hy Lạp cổ đại; Cũng như chú thích về Bzantium cho ta biết về một quốc gia cổ; Chú thích khu thành ngoại Saint-antonie… hoặc như chú thích của biên tập rất cẩn thận là giải thích từ An Nam trong tác phẩm này là nên hiểu là Huế và vùng phụ cận tránh cho ta cái nhìn đến cả Đàng Ngoài hoặc về phía cực nam, nó cho ta tập trung về đối tượng chính muốn nói đến hơn là sự mở rộng dẫn đến hiểu lầm hiểu lầm.

Nhã Nam cũng rất biết cách làm gì đó mới và thu hút hơn cho sự gắn kết giữa kim – cổ – đông – tây bằng việc có bài giới thiệu của Étienne ROLLAND-PIEGUE- Tham tán Văn hóa và Hợp tác Đại sứ quán Pháp Tại Việt Nam, Giám đốc Viện Pháp tại Việt Nam, có nét sinh động hẳn lên

MỘT VÀI NHƯỢC ĐIỂM MÀ NHÃ NAM NÊN LÀM TỐT HƠN:

Về phần chú thích hình ảnh, có vẻ như Nhã Nam chỉ chú thích ảnh bìa cho bản bìa cứng phổ thông là đúng, còn lại, quên mất chú thích riêng họa tiết bìa cho bản bìa da. Điều này xem trang 385 sẽ rõ. Cách để chú thích sau sách như bản gốc cũng có thể sẽ bất tiện cho các độc giả mới ngoài chuyên môn. Thái Hà Books lại có phần táo bạo hơn khi phân chia phần chú thích trong mỗi hình minh họa.

Màu sắc xử lý đồ họa và in ấn của các hình minh họa, tuy có thể được xem là đẹp nhất cho đến nay nhưng với bản gố vẫn chưa đạt theo một đòi hỏi cao hơn. Màu sắc bản gốc 1919/1930 với các hình minh họa một màu có tông màu nâu đỏ dạng nghiêng về màu đỏ Bordeaux, hình của Nhã Nam lại ngả sang nâu sậm hơn, nghĩa là có thành phần đen nhiều hơn trong việc đặt thông số màu, dù vậy, nó vẫn trông khá hơn so với tông màu tím hơi nhạt và yếu của Thái Hà Books. Các ảnh minh họa có màu thì Nhã Nam tương đối đẹp, tuy vậy, nếu tay thiết kế có kinh nghiệm in ấn sẽ thấy rằng tổng thể nó ngả về xanh ngọc nhiều hơn xanh lá so với bản gốc, màu đỏ hơi ngả về cam. Điều này thể hiện càng rõ trong các tranh phong cảnh và đặc biệt hình con cá bằng gốm. Xử lý việc này, các tay designer nên điều chỉnh giảm màu xanh C và tăng màu vàng Y một chút hợp lý sẽ có được kết quả gần với bản gốc hơn.

Ngoài những điểm yếu trên, với bản đặc biệt Nhũ mạ 3 cạnh có vẻ không được bám chắc vào cạnh sách, kỹ thuật này có vẻ mới mẻ với Nhã nam, dẫn đến khi đọc, các bụi nhũ vàng bám vào tay rất nhiều, một số rơi rụng vào trang sách rất thú vị. Cũng vì thế mà sau vài lần đọc khoảng một tuần, bụng sách đã trở nên bạc phếch loang lổ, không còn óng ánh rực rỡ nữa.

Bìa da simili của bản đặc biệt có gì đó hơi là lạ với vết khâu 3 cạnh, tuy là bản đặc biệt nhưng Nhã Nam vẫn muốn có chút phổ thông hóa, trung hòa hơn để được nhiều độc giả yêu sách đẹp sở hữu nên nó không kiểu vượt quá xa về độ xa xỉ như kiểu S100 Đông A hoặc các bản siêu đặc biệt đấu giá của Thái Hà Books, nếu không có hộp thiết kế đẹp hài hòa hoặc độ dày cuốn sách thì có lẽ người ta sẽ bảo nó là một cuốn sổ tay loại sang bán ở các cửa hiệu văn phòng phẩm. Vẫn có gì đáng tiếc khi nó được đóng gáy vuông, nếu khéo hơn có thể vỗ gáy tròn thì rất tuyệt.

III – CUỘC CHIẾN KHỐC LIỆT Ở BÊN LỀ

Nói về dòng sách Pháp Ngữ, mạnh nhất hiện nay là O+ ra mắt đều như vắt chanh cả mấy năm nay, không hiểu lý do gì lại bỏ qua tựa này. Khi các dòng khác vẫn ra đều đặn và có sức hút riêng thì lại bỏ quên viên ngọc sáng này, lý giải có lẽ rằng trâu chậm uống nước đục cũng nên, hoặc không đủ nguồn lực khi đã tập trung khai thác tối đa về dòng sách Pháp ngữ mà nghiêng về văn hóa/sử hơn. Tuy nhiên cũng đáng tiếc cho O+ bởi dòng mỹ thuật hội họa nghệ thuật của nhà này cũng có những đầu rất nặng ký nhưng thiếu L’Art à Hué thì có gì đó như một gia vị truyền thống thiếu trên mâm cơm của gia đình vậy. Tôi chưa có dịp chuyện trò với bên O+ nhưng trộm nghĩ rằng, thế giới vốn đa dạng, đâu phải ai cũng nhất thống được thiên hạ, vì thế chọn một vài sở trường mà triển khai thì tốt hơn, có vẻ trong trường hợp này đúng với O+ chăng.

Một điều khó hiểu là tại sao Văn Hóa Văn Nghệ lại không mặn mà với L’Art à Hué, mặc dù trước đây các sách Pháp ngữ liên quan nghệ thuật dân gian ra khá nhiều và chất lượng, có vẻ như nhà này chỉ quan tâm vài đầu EFEO. Giá như nhà này làm một bản L’Art à Hué như kiểu Tranh Dân Gian thì cũng rất tuyệt vời, nhưng giờ đây đã không còn thị phần dành cho nhà này nữa.

Một số nhà chuyên về dòng sách mỹ thuật như Đông A cũng không tránh khỏi sự bất ngờ. Dự án S100 có dự kiến là sẽ ra bản L’Art à Hué, có cảm giác rằng trường hợp này dài hơi và chậm trễ. Khi các con nghiện S100 và những người thật sự yêu nghệ thuật Huế còn đang chờ đợi Đông A thì Nhã Nam đã in xong và đã phân phối hết 500 “cuốn sổ tay khổng lồ với mép khâu chỉ điệu đà”- bản đặc biệt có hộp, bìa Simili, ép nhũ vàng 3 cạnh, cùng 1500 bản bìa cứng đã làm rung chuyển đế chế S100, bao vây khắp các trang mạng xã hội

Đông A dường như còn đang say ngủ trên các sản phẩm S100, gần như vô đối với dòng sách nghệ thuật đóng bìa thủ công, bất ngờ đã bị một nhát kiếm chí mạng, nó nhanh, gọn và tàn nhẫn đến mức có vẻ như làm mọi người quên luôn sự chờ đợi bản này trong bộ S100, làm cho ông chủ dự án vẫn còn đang phân vân có nên tiếp tục với S100 L’Art à Hué hay không. Thật là cay nghiệt trong những ngày ông chủ S100 hì hục cách ly ở nhà với bộ đồ nghề đục đẽo thử nghiệm bìa da mỹ thuật thì Nhã Nam đã bán hết bản đặc biệt, đã đếm tiền và cất hết vào két chờ ngày dỡ bỏ lệnh cách ly mùa dịch bệnh. Nó đau đớn đến mức mà ông chủ của S100 úp mở với sự cảnh giác cao độ trong dự định loạt Indochine trong năm 2020, đã không dám nêu các tựa cụ thể một cách tự tin như trước nữa vì sợ những nhát kiếm bất ngờ của các tay xung quanh như trường hợp vừa rồi. Quả là một trái đắng khó nuốt trôi, có gì đó làm mọi người liên tưởng tới nhát kiếm huyền thoại kết mạng đối thủ của Kiếm Thánh Nhật Bản – Miyamoto Musashi trong kiếm phổ “Ngũ Luân Thư” vậy, Nhã Nam đã vung kiếm với dáng hình L’Art à Hué và Đông A đã lãnh một đòn đau đớn. Dĩ nhiên nó chưa thể hạ gục hoàn toàn được L’Art à Hué phiên bản S100, vẫn sẽ có lượng fan trung thành bấy lâu chờ đợi, vẫn xôn xao và khát khao, nhưng như vậy là chưa đủ với S100, bởi nó đã phá vỡ uy nghiêm, tính toàn vẹn độc tôn và sự cuồng nộ vốn có của dòng này, điều mà ông chủ của S100 khó mà chấp nhận được.

Vẫn chưa hết, vừa hụt hơi ở bản L’Art à Hué với Nhã Nam, thì nghe đâu lại bị cú ngáng đường ở bản “Một Chiến Dịch Ở Bắc Kỳ” của BS. HOCQUARD (xuất bản lần đầu năm 1892 tựa gốc UNE CAMPAGNE AU TONKIN), O+ đã quá nhanh tay để có thể sẽ thu cả tấn tiền lẻ về trước khi các tuyệt tác của Đông A chiếm lĩnh phân khúc cấp cao. Ông chủ của S100 buộc phải nhá hàng bản này trong tháng 5 sau một đêm trăn trở khi thấy các tay lái đang đồng loạt cho đặt hàng bản cứng của O+; Nhưng có vẻ đó là tiếng kêu ai oán rất có chủ đích và khéo léo là mong độc giả hãy bình tĩnh chờ đợi, hy vọng níu kéo một lượng độc giả khi sắp rơi lần lượt vào vòng tay của các nhà khác, trong trường hợp này là của O+. Cuộc chiến có lẽ không bào giờ là khoan nhượng.

Để kết thúc, có lẽ không thể không nhắc đến bài thơ của V.Muraire, Nguyễn Thanh Hằng dịch, ngay đầu sách, với đoạn cuối trầm buồn, sâu lắng và day dứt:

“Vẫn còn đây ngôi chùa cùng những khung cửa biểu tượng,
Nơi các thánh tích uy nghiêm vẫn nghi ngút khói hương,
Mà rất chậm rãi, đâu đó, đang tắt dần ánh quân vương.”

Nguồn: Nhão Sách

Comments are closed.