Tư duy linh hoạt: Phải biết chấp nhận quan điểm khác

Bưởi chứa rất nhiều vitamin A, C. Nhìn chung ăn bưởi là ngon. Đôi khi ta cũng gặp những quả bưởi ăn bị đắng, vị cay nồng xông lên mũi. Bưởi he. Bưởi nhỏ vẫn có thể ngon và bưởi to vẫn có thể he. Phải ăn mới biết được.

Trong cuộc sống, nhiều khi ta cảm thấy he cả khi không ăn bưởi.

Quảng cáo tính năng “Auto Focus” của máy ảnh số.

Hồi mới đọc sách tôi thường viết review và chia sẻ lên các group liên quan đến sách trên Facebook. Những group mà tôi chẳng quen biết ai ở đó cả.

Có một lần tôi bày tỏ quan điểm của mình về sách có liên quan đến bộ phim “The Day After Tomorrow” – Ngày tận thế!

Nếu ai đã từng xem phim này thì đều biết ông đạo diễn có nhét một đám người vào thư viện quốc gia khi đại hồng thủy tràn vào. Và tiếp đến sẽ là một đợt lạnh đột ngột khiến tất cả đều đóng băng!

Có một nhóm đã gom sách lại khu lò sưởi, khi nhiệt độ xuống, họ đã đốt rất rất nhiều sách để sưởi ấm và họ đã sống sót.

Tôi bảo sách có thể cứu chúng ta theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Nó là tri thức để giúp ta tiếp cận, khai sáng những chân trời mới. Và cũng có thể là củi để sưởi ấm như trong bộ phim kia.

Đăng lên phát đã thấy ào ào notifications tới. Có những phản hồi đồng thuận, khen, cảm ơn, nhưng cũng có những phản hồi như tát vào mặt: “viết ngu như bò”, “suy luận vãi cả c*t…”, …

Ơ, ơ! Máu bắt đầu dồn hết lên não, mặt nóng ran, sống mũi cay cay. He mũi rồi nha! Đã sẵn sàng một phen sống mái với mấy comment này rồi hạ luôn cái bài đó xuống.

(Là con người nên ai chả thích được khen, Ta được dạy cách khen và đón nhận lời khen. Nhưng có được dạy cách chê và đón nhận lời chê đâu.)

bỗng thấy cái biểu tượng “someone are typing…” vẫn hiện ra nên tự bảo, để cho họ comment nốt, rồi sẽ phản đòn một thể.

Khi nó hiện ra, là những ý kiến khác, trái-phải-giữa đủ cả. Cảm giác he mũi cũng bớt dần và đi qua. Rồi, tôi không comment nữa, mà chỉ dùng biểu tượng cảm xúc.

Facebook Emoji – Biểu tượng cảm xúc động trên Facebook

Trong cuộc sống ta thường xuyên phải đối mặt với những quan điểm không giống mình. Những quan điểm đối đầu với mình, phê phán mình hoặc đốp chát luôn rằng mình đã sai tòe loe rồi.

Với bố mẹ, vợ chồng, bạn bè, đồng nghiệp, cấp trên, cấp dưới. Về bất cứ một lĩnh vực nào.

Chẳng dễ nghe và dễ thấm tí nào. Và chắc chắn sẽ cảm thấy he mũi. Đó là phản ứng rất bình thường của con người mà thôi.

Khi đó, chúng ta như nhím giương tất cả gai lên để bảo vệ mình, bảo vệ quan điểm của mình và sẵn sàng bắn chúng về phía những người khác. Cuối cùng là ta bị tổn thương.

Chỉ vì he mũi mà đã có hàng ngàn vụ ẩu đả đang xảy ra ở khắp mọi nơi trong cả đời sống thật lẫn thế giới ảo. Hàng ngày!

Trong giới quảng cáo có lan truyền câu chuyện thế này.

Stanley Pollitt là đồng sáng lập hãng BMP, ông luôn muốn có một trang trại nuôi cừu. Nên khi có đủ tiền, ông đã mua ngay một trang trại.

Có điều, mấy con cừu cứ ngày một phình to ra. Lúc đó, ông mới nhận ra mình chả có biết gì về lũ cừu hết.

Ông nghĩ rằng mình đã cho cừu ăn quá nhiều. Nên ông giảm khẩu phần ăn của chúng xuống. Chúng vẫn phình to ra.

Ông lại giảm phần ăn thêm xíu nữa. Vậy mà, cừu vẫn tiếp tục phình to ra mới đau chứ! Thế là, ông lại cắt tiếp phần ăn xuống.

Rồi một ngày kia, đám cừu chết sạch. Chúng nó… chết đói.

Thật ra là, bầy cừu không hề mập lên. Chỉ là, lông cừu dày lên mà thôi. Ai ở vùng quê cũng biết sự thật hiển nhiên này. Nhưng Stanley chẳng phải dân quê để mà biết.

Cũng như chúng ta chẳng phải dân quảng cáo, nên chẳng biết làm quảng cáo thế nào cả.

Battleship – Quảng cáo cho công cụ tìm kiếm Google

Chúng ta chỉ biết những gì chúng ta biết. Nên ta hay diễn dịch mọi thứ theo sự hiểu biết của chính mình.

Bởi thế, khi có ý kiến khác mình, ta cảm thấy như mình đang bị coi là kẻ ngu ngốc. Cảm thấy lòng tự trọng bị tổn thương, thấy tự ái.

Những lúc này, bạn cần dừng tư duy lại trong vài giây. Tự hỏi mình “Nếu như họ đúng thì sao?” “Nếu như mình sai thì sao?”

Mà sự thật là còn có rất nhiều điều ta không biết, có vô vàn những thứ trên đời mà ta chả biết gì cả.

Cho nên, thay vì cố chấp với mớ kiến thức nhỏ bé hạn hẹp của mình, ta nên mở lòng,chấp nhận rằng mình chưa biết, thì mới có cơ hội học hỏi để biết thêm.

Lão Tử nói: “Người thông thái biết mình còn ngu muội, kẻ khù khờ cứ tưởng mình thông minh.”

Chúng ta nghĩ rằng, cứ nhanh chóng đưa ra nhận định của mình thì mới là hay, là giỏi. Nhưng thật ra, khi ta làm vậy, chúng ta đã tự đóng lại mọi cánh cổng thông tin. Phải biết nói “Tôi chưa biết” thì mới là người khôn.

“Dũng cảm thừa nhận những sai lầm, yếu kém của mình. Dũng cảm lắng nghe và chấp nhận những phê phán hoặc ý kiến trái chiều của người khác”

Là khởi đầu để bước vào con đường TƯ DUY LINH HOẠT!

Comments are closed.