3 cuốn sách đáng đọc giúp xây dựng một nền văn hoá sáng tạo lành mạnh

Đến thời điểm hiện tại, đã có rất nhiều cuốn sách viết về đổi mới sáng tạo đã được viết ra. Mỗi cuốn là một đúc kết từ cách thức hoạt động của một doanh nghiệp đã đạt được những thành quả đột phá hoặc dẫn đầu trong lĩnh vực của mình. Nếu tìm kiếm một vài cuốn để tham khảo, chắc chắn nhiều người sẽ bị choáng ngợp.

Xuất phát điểm là một người trong lĩnh vực sản xuất phim, lại được làm việc trong một công ty sản xuất phần mềm, nên tôi bị thu hút bởi những cuốn sách viết về văn hoá của các công ty thuộc hai lĩnh vực này. Đây cũng là hai lĩnh vực đòi hỏi sự đổi mới sáng tạo liên tục để không bị đánh bại trong một thế giới không thể đoán trước như hiện nay.

Khi đọc những cuốn sách, tôi luôn có sự so sánh giữa các ý tưởng trong sách với những văn hoá mà mình đã từng trải nghiệm, để cân nhắc xem điều gì là hơn-thua, điều gì có thể áp dụng để mang lại những thay đổi tích cực và điều gì không thể áp dụng được. Do đó, 3 cuốn sách được giới thiệu bên dưới sẽ gần gũi, có ý nghĩa và có thể áp dụng hiệu quả đối với các công ty đang hoạt động trong lĩnh vực sáng tạo như: Giải trí (làm phim, âm nhạc, …), agency quảng cáo, sản xuất phần mềm/ứng dụng công nghệ.

Work Rules! Quy tắc của Google | Laszlo Bock

Nền tảng văn hoá Google là phương pháp giáo dục Montessori. Những người sáng lập là Larry Page và Sergey Brin đều trải qua môi trường giáo dục này từ nhỏ. Môi trường dạy học này được điều chỉnh để phù hợp với nhu cầu học tập và tính cách của trẻ, trẻ em được khuyến khích đặt câu hỏi về mọi thứ, làm những gì chúng muốn. Sự phát triển của học sinh là quan trọng nhất.

Sự phát triển của mỗi cán bộ nhân viên là quan trọng nhất đối với Google. Không có phòng mang tên “Quản trị nhân sự” ở Google, mà thay vào đó bằng bộ phận “Phát triển con người”, bởi con người (bao gồm cả quản lý và nhân viên) ở Google là những cá thể cần được phát triển, chứ không phải là những cỗ máy cần phải quản trị. Đối với Larry và Sergey “Nhân viên của chúng tôi, những người tự nhận mình là Googler, là tất cả mọi thứ.”

Và mọi chính sách trong tuyển dụng, đãi ngộ, văn hoá, giá trị của Google đều được xây dựng và phát triển dựa trên nền tảng đó. Nhân viên ở Google được trao quyền nhiều hơn. Họ luôn cảm nhận, suy nghĩ và hành động như một người chủ chứ không phải của một nhân viên.

Delivering Happiness – Tỷ phú bán giày | Tony Hsieh

Đây là cuốn sách kể câu chuyện về quá trình hình thành, phát triển của Zappos, được kẻ bởi chính CEO của họ, Tony Hseih. Zappos là một công ty bán giày qua mạng thành lập năm 1999 và được Amazon mua lại vào năm 2009 với giá 1,2 tỷ đô.

Nổi tiếng trên toàn thế giới về văn hoá dịch vụ khách hàng, Zappos còn được biết đến với một văn hoá doanh nghiệp vô cùng ấn tượng. Văn hoá Zappos được xây dựng nên bởi tất cả nhân viên theo cách đúng nghĩa của nó. Từ cuốn “Sổ tay văn hoá” đến Giá trị cốt lõi trong văn hoá của Zappos đều là sản phẩm của trí tuệ tập thể. Tony viết mail cho toàn thể nhân viên để yêu cầu mỗi người cùng đóng góp một phần công sức, trí tuệ của mình vào việc xây dựng chúng.

Điều quan trọng là những giá trị này đều vì lợi ích và sự phát triển của chính những nhân viên, để mang lại hạnh phúc cho nhân viên. “Chỉ những người hạnh phúc mới có thể mang đến những trải nghiệm hạnh phúc cho người khác.”

Creativity, Inc. Vương quốc sáng tạo | Ed Catmull

Không chỉ đơn thuần là câu chuyện kể về Pixar Animation theo tôn chỉ “Story is King” của Pixar, Ed Catmull đã chia sẻ những kiến thức sáng suốt, xuất sắc của mình trong việc xây dựng nên một công ty có môi trường sáng tạo không ngừng nghỉ. Khi đọc xong cuốn sách này vào năm 2018, tôi đã viết hai bài chia sẻ: Sự thẳng thắn, trung thực của PixarNhững bài học quý giá dành cho Nhà lãnh đạo. Mời bạn nhấp vào link để tìm hiểu.

Giữa “Ý tưởng” và “Con người”, cái gì là quan trọng hơn? Chắc hẳn câu trả lời của đa số mọi người sẽ nghiêng về “Ý tưởng”. Nhưng ở Pixar, “Con người” là yếu tố được coi trọng hơn. Đối với Ed, một ý tưởng tốt đưa cho một đội ngũ tồi sẽ không bằng một ý tưởng vừa vừa được thực hiện bởi những con người thực sự gắn kết.

Sự thành công trong bất kể lĩnh vực, khía cạnh nào đều mang đến nhưng trạng thái cảm xúc vô cùng phức tạp. Có rất nhiều người, nhiều công ty đạt được một thành công nào đó rồi đứng yên ở đó, ôm ấp, bảo vệ nó rồi biến mất. Nỗi sợ khi thử một cái mới, ý tưởng mới hay phương thức mới, là vô hình nhưng có thật. Sợ thay đổi là một phản ứng tự vệ mang tính bản năng của con người, tổ chức và xã hội. Creativity, Inc. thực sự sẽ giúp những người muốn thay đổi có thể Overcoming the Unseen Forces That Stand in the Way of True Inspiration.

Được nhà sáng lập Facebook, Mark Zuckerberg bình chọn là “Cuốn sách của năm” cũng đủ khiến Creativity, Inc. đáng được chú ý. Nhưng được Forbes, Financial Times, The New York Times cùng Jim Collins, Seth Godin dành cho những lời khen ngợi thì “Vương quốc sáng tạo” là một cuốn sách thật sự đáng đọc.

Sáng tạo là Văn hoá doanh nghiệp

Tôi xin chia sẻ lại một định nghĩa mới về văn hoá doanh nghiệp mà tôi vừa tìm hiểu được gần đây với các bạn:

Văn hoá là tập hợp của các ngôn ngữ, hành động, tư tưởng và “đồ vật”; nhằm xác định và củng cố những giá trị được đề cao tại tổ chức.

Ngôn ngữ là những thuật được dùng để miêu tả nơi làm việc. Hành động là các hành vi trong môi trường làm việc. Tư tưởng là niềm tin, là thế giới quan mà người lao động mang đến nơi làm việc. “Đồ vật” là những nhân tố vật lý và hữu hình tại nơi làm việc.

Như vậy, để xây dựng một văn hoá đổi mới sáng tạo, trước tiên cần phải xây dựng một văn hoá doanh nghiệp có nền tảng phù hợp cho sáng tạo đổi mới. Giá trị “sáng tạo” được đề cao tại một tổ chức, thì có thể ngôn ngữ phù hợp sẽ là SÁNG TẠO, hành vi được khuyến khích sẽ là HỌC HỎI, niềm tin của nhân viên là THỬ CÁI MỚI, và “đồ vật” là không gian làm việc được thiết kế giàu tính giao tiếp, thoáng đãng, …

Google, Zappos, Pixar đều cần ít nhất 5 năm mới xây dựng và hình thành nên bản sắc văn hoá ủng hộ, khuyến khích đổi mới sáng tạo của mình. Nếu bạn muốn có được văn hoá này, hãy xem lại định nghĩa về văn hoá ở trên, đọc 3 cuốn sách tôi đã chia sẻ và bắt đầu xây dựng ngay từ hôm nay nhé!

Comments are closed.